Hàn Quốc: Chủ tịch QH đề xuất sửa hiến pháp liên quan phân chia quyền lực
Theo luật, Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày kể từ ngày cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị phế truất.
Ngày 7-4, một quan chức Hàn Quốc nói với hãng thông tấn Yonhap rằng chính phủ nước này đã quyết định chọn ngày 3-6 để tổ chức cuộc bầu cử tổng thống nhằm chọn người kế nhiệm cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Theo quan chức này, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo sẽ thông báo quyết định trên tại cuộc họp nội các vào ngày 8-4.
Một cuộc bầu cử tổng thống phải được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi Tòa Hiến pháp cách chức ông Yoon vào tuần trước vì tuyên bố thiết quân luật của ông vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP
Nếu thời điểm bầu cử tổng thống Hàn Quốc nói trên chính thức được xác nhận, các ứng cử viên tổng thống sẽ phải đăng ký trước ngày 11-5 và thời gian vận động chính thức sẽ bắt đầu vào ngày 12-5.
Luật cũng yêu cầu một công chức tranh cử tổng thống phải từ chức ít nhất 30 ngày trước cuộc bầu cử.
Tổng thống mới đắc cử sẽ nhậm chức ngay sau khi có kết quả bầu cử mà không cần nhóm chuyển giao.
Trong diễn biến liên quan, vào ngày 6-4 Chủ tịch quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik đã đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để sửa đổi hiến pháp vào ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
"Tôi đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc sửa đổi hiến pháp sẽ được tổ chức đồng thời vào ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống [sắp tới]. Sửa đổi hiến pháp là cần thiết để củng cố hơn nữa các trụ cột của sự phân chia quyền lực nhằm đảm bảo chủ quyền và sự thống nhất quốc gia" - ông Woo nói.
Hàn Quốc đã sửa đổi hiến pháp 9 lần kể từ năm 1948. Ở Hàn Quốc, tổng thống hoặc quốc hội có thể đề xuất sửa đổi hiến pháp. Việc sửa đổi này phải được quốc hội thông qua với sự ủng hộ của 2/3 nhà lập pháp và sau đó là đa số trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.
Ngày 7-4, lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Lee Jae-myung cho biết ông đồng ý với đề xuất sửa đổi hiến pháp nhưng giờ nên là lúc tập trung vào việc chấm dứt các vấn đề hậu thiết quân luật.
Ông Lee chỉ ra những thách thức pháp lý khi tổ chức trưng cầu dân ý cùng với cuộc bầu cử tổng thống, vì luật hiện hành không cho phép bỏ phiếu sớm trong các cuộc trưng cầu dân ý.
Tuy nhiên, ông Lee nói rằng ông đồng ý có điều kiện với sửa đổi này.
“Nếu đạo luật trưng cầu dân ý quốc gia được sửa đổi và một sửa đổi hiến pháp trở nên khả thi trên thực tế, chúng ta có thể tiến hành ngay lập tức” - ông Lee nói thêm.