Hàn Quốc chờ đợi phán quyết lịch sử về Tổng thống Yoon Suk Yeol
Số phận chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol có thay đổi bước ngoặt sau khi Quốc hội do phe đối lập kiểm soát tiến hành bỏ phiếu quyết định luận tội ông.

Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Suk-yeol tại phiên điều trần của Tòa án Hiến pháp ở Seoul, ngày 20/2 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định quan trọng trong ngày 4/4 tới về việc Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ bị chính thức phế truất hay được phục hồi chức vụ.
Phán quyết này là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, bắt nguồn từ sắc lệnh thiết quân luật gây tranh cãi mà ông Yoon Suk Yeol ban hành đêm 3/12 năm ngoái.
Số phận chính trị của Tổng thống Yoon có thay đổi bước ngoặt sau khi Quốc hội do phe đối lập kiểm soát tiến hành bỏ phiếu quyết định luận tội ông.
Sau quá trình tố tụng kéo dài liên quan đến nhiều bên, Tòa án Hiến pháp đã gần đến ngày đưa ra phán quyết chính thức. Bên cạnh đó, Tổng thống Yoon cũng đang đối mặt với một phiên tòa hình sự riêng biệt liên quan đến cáo buộc nổi loạn, cũng xuất phát từ sắc lệnh thiết quân luật ngày 3/12.
Nếu Tòa án Hiến pháp chấp thuận việc luận tội, Tổng thống Yoon sẽ bị cách chức ngay lập tức và Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày để tìm người lãnh đạo đất nước. Ngược lại, nếu Tòa án bác bỏ quyết định luận tội của Quốc hội, Tổng thống Yoon sẽ được phục hồi các quyền ngay lập tức.
Trọng tâm của vụ việc này xoay quanh quyết định của Tổng thống Yoon triển khai hàng trăm binh sĩ và cảnh sát đến tòa nhà Quốc hội sau khi ông ban hành thiết quân luật.
Ông Yoon giải thích rằng đây là quyết định cần thiết để duy trì trật tự. Tuy nhiên, nhiều quan chức quân sự coi đây là hành động nhằm trấn áp các nghị sĩ để ngăn họ bỏ phiếu bác bỏ thiết quân luật, đồng thời nhằm bắt giữ các đối thủ chính trị.
Về phần mình, Tổng thống Yoon khẳng định ông không có ý định duy trì thiết quân luật lâu dài mà chỉ muốn "phơi bày những tha hóa" của đảng Dân chủ đối lập, lực lượng mà ông cho rằng đã cản trở các chính sách của mình, luận tội các quan chức cấp cao và cắt giảm ngân sách.
Theo luật pháp Hàn Quốc, Tổng thống có quyền ban bố thiết quân luật trong thời chiến hoặc trong các tình huống khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, đảng Dân chủ và những người ủng hộ cho rằng Hàn Quốc không trong tình trạng khẩn cấp đến mức Tổng thống Yoon phải ban hành thiết quân luật.
Trong đề xuất luận tội, đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Yoon vi phạm Hiến pháp và các luật khác bằng cách cản trở hoạt động của Quốc hội, tìm cách bắt giữ các chính trị gia và gây ra tình trạng bất ổn trong nước. Cho đến nay, ông Yoon một mực phủ nhận các cáo buộc này, khẳng định không hề có ý định cản trở hoạt động của Quốc hội hay bắt giữ bất kỳ ai.
Sắc lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon chỉ kéo dài trong 6 giờ trước khi các nghị sĩ có thể trở lại tòa nhà Quốc hội và bỏ phiếu hủy bỏ sắc lệnh này. Đây cũng là lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật kể từ năm 1980.
Dù phán quyết của Tòa án Hiến pháp như thế nào, giới quan sát nhận định tình hình chính trị ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng.
Trong những tháng qua, hàng triệu người dân đã xuống đường biểu tình ở Seoul và nhiều khu vực khác trên cả nước để thể hiện sự ủng hộ hoặc phản đối đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Để đảm bảo trật tự công cộng và ngăn chặn mọi hành vi phá hoại, đốt phá hoặc bạo lực có thể xảy ra sau phán quyết, cảnh sát Hàn Quốc tuyên bố sẽ huy động toàn bộ lực lượng.
Tòa án Hiến pháp cũng đã chính thức xác nhận trong một tuyên bố vào hôm thứ Ba rằng họ sẽ công bố phán quyết vào thứ Sáu tới, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế./.