Han Kang: Từ nữ quyền đến vết thương chiến tranh

'Người ăn chay' được coi là một trong những tác phẩm đưa tên tuổi nữ nhà văn vừa đoạt Nobel Văn học ra nước ngoài.

Tọa đàm khoa học Han Kang và kỳ tích văn chương xứ sở kim chi. Ảnh: Thùy Linh

Tọa đàm khoa học Han Kang và kỳ tích văn chương xứ sở kim chi. Ảnh: Thùy Linh

Nhà văn Hàn Quốc Han Kang trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên giành giải Nobel Văn học nhờ các tác phẩm đề cập trực diện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của kiếp người.

Khía cạnh nhân sinh sâu sắc

“Người ăn chay” là tác phẩm đầu tiên của Han Kang được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Liên truyện do Hoàng Hải Vân dịch và được NXB Trẻ ấn hành năm 2011. Gần 10 năm sau, các tác phẩm khác của Han Kang mới được dịch và xuất bản tiếp tại Việt Nam.

Đây được coi là một trong những tác phẩm đưa tên tuổi nữ nhà văn vừa đoạt Nobel Văn học ra nước ngoài. Tác phẩm là liên truyện gồm 3 truyện ngắn (“Người ăn chay”, “Vết chàm Mongolia”, “Cây pháo hoa”), kể về Yeong-hye, một người phụ nữ Hàn Quốc bình thường, quyết định trở thành người ăn chay sau một giấc mơ kinh hoàng.

Tác phẩm khám phá những tầng sâu thẳm về con người, bao gồm xung đột nội tâm và áp lực xã hội. Từ việc Yeong-hye từ chối ăn thịt, những căng thẳng tâm lý bắt đầu bùng nổ, biến các mối quan hệ gia đình vốn bình thường trở nên bạo lực và đầy dục vọng. Những biến đổi kỳ lạ về thể xác và tinh thần của Yeong-hye được mô tả qua góc nhìn của chồng cô, anh rể và chị gái. Mỗi nhân vật đều có cảm xúc khác nhau.

GS.TS Phan Thị Thu Hiền - giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tác phẩm là một liên truyện kết nối câu chuyện lần lượt được kể bởi nhân vật người chồng trong phần 1 – “Người ăn chay”, người anh rể trong phần 2 – “Vết chàm Mongolia” và người chị gái trong phần 3 – “Cây pháo hoa”.

 Nữ nhà văn Han Kang. Ảnh: ITN

Nữ nhà văn Han Kang. Ảnh: ITN

“Chính bản thân nhân vật người ăn chay thì không tự kể, ngoại trừ những đoạn độc thoại nội tâm nói về cơn ác mộng của cô trong phần 1. Dần dà ta nhận thấy, nhân vật người ăn chay không phải nhân vật chính duy nhất và đề tài người ăn chay không phải đề tài trung tâm của tác phẩm. Quan trọng hơn, theo dòng thời sự tuyến tính, ba phần của tác phẩm giống như mũi khoan, càng lúc càng xoáy sâu vào những tầng tăm tối, tồi tàn của nhân tính”, bà Hiền nói.

Cuốn sách khai thác một số chủ đề liên quan đến sự áp đặt của xã hội, mong muốn trốn thoát khỏi các ràng buộc, và sự sụp đổ dần dần của một con người. “Chấn thương lịch sử, sự mong manh của đời người, liên hệ thể xác và tinh thần người sống và người chết, đó có lẽ là những chủ đề rất cổ xưa, đồng thời rất mới mẻ. Đóng góp riêng của Han Kang chính là ở sự thể hiện và diễn giải vừa mang ý nghĩa nhân loại, vừa mang đậm đà bản sắc dân tộc Hàn Quốc”, bà Hiền nhấn mạnh.

Hội đồng Nobel ghi nhận rằng, văn chương Han Kang đối diện với chấn thương lịch sử và những quy tắc vô hình. Qua mỗi tác phẩm, phơi bày sự mong manh của cuộc đời nhân thế, thể hiện tiếp nhận độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tinh thần, giữa việc sống và việc chết, với phong cách viết giàu chất thơ, thử nghiệm mới mẻ, trở thành nhà cách tân văn xuôi đương đại.

Chấn thương lịch sử, sự mong manh của đời người, liên hệ thể xác và tinh thần người sống và người chết, đó có lẽ là những chủ đề rất cổ xưa, đồng thời rất mới mẻ. Đóng góp riêng của Han Kang chính là ở sự thể hiện và diễn giải vừa mang ý nghĩa nhân loại, vừa mang đậm đà bản sắc dân tộc Hàn Quốc.

Tăm tối và đau khổ?

Mới đây, Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm khoa học về nhà văn Han Kang, người đoạt giải Nobel Văn học 2024.

Han Kang sinh năm 1970 tại thành phố Gwangju. Từ năm 10 tuổi, Han Kang sống tại thủ đô Seoul cùng gia đình. Bà theo học Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei, bắt đầu ra mắt văn đàn với vai trò là thi sĩ bằng việc xuất bản 5 bài thơ - có bài “Mùa Đông ở Seoul” trong ấn bản mùa Đông của tạp chí Munhak-gwa-sahoe (Văn học và Xã hội) năm 1993.

Sau năm 1994, Han Kang bắt đầu sự nghiệp tiểu thuyết gia khi giành giải thưởng Văn học mùa Xuân của nhật báo Seoul Shinmun với tác phẩm “Mỏ neo đỏ”. Năm 1995, Han Kang xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tên Yeosu (NXB Munji).

Những tác phẩm nổi bật: Tập truyện ngắn “Trái cây của người phụ nữ của tôi” (2000), “Kỳ nhông lửa” (2012); các tiểu thuyết “Hươu đen” (1998), “Đôi tay lạnh lẽo của anh” (2002), “Người ăn chay” (2007), “Hơi thở đấu tranh” (2010), “Những bài học Hy Lạp” (2011), “Hành động của con người” (2014), “Cuốn sách trắng” (2016), “Tôi không nói lời tạm biệt” (2021). Han Kang cũng xuất bản tập thơ “Tôi đặt buổi tối vào ngăn kéo” (2013).

Dịch giả - ThS Hoàng Hải Vân chia sẻ về quá trình dịch các tác phẩm của Han Kang cho hay, trước đó bà đã dịch hai tác phẩm khó, đến khi tìm hiểu và dịch thuật “Người ăn chay”, bà không gặp nhiều khó khăn về mặt ngôn ngữ.

“Trong quá trình tìm kiếm các tác phẩm mới để tiếp tục dịch, năm 2008 - 2010, tôi gặp tác phẩm ‘Vết chàm Mongolia’ - tác phẩm thứ hai trong liên truyện người ăn chay. Với cá nhân tôi khi tiếp cận bất cứ tác phẩm nào, kể cả văn học, phim ảnh, ấn tượng đầu tiên ở sự cuốn hút khi mình đọc, xem và chạm tới nó. Tôi vui theo niềm vui của nhân vật, buồn theo nỗi buồn của nhân vật, đau theo cảm xúc của nhân vật.

Một tác phẩm như vậy là tác phẩm đã chạm đến trái tim của độc giả, đó là một tác phẩm nghệ thuật hay. ‘Vết chàm Mongolia’ chính là một tác phẩm như vậy. Tôi đã đọc một mạch trong ngày, không thể dứt ra được vì chuyện quá hay, quá ám ảnh. Tôi tìm đọc Han Kang thêm và quyết định dịch ‘Người ăn chay’”, nữ dịch giả nói.

Bà Vân chia sẻ thêm, những ai đã đọc tác phẩm này có thể thấy câu văn rõ ràng, ngắn gọn nhưng rất chi tiết, không dùng những từ ngữ quá trừu tượng để kể chuyện. “Khi tôi dịch, tôi phải nhắm mắt lại để tưởng tượng cái tình huống đấy, mình cần phải lựa chọn những từ ngữ như thế nào để truyền tải được hết những thái độ, không khí trong mạch câu chuyện đó”, bà Vân kể lại.

Trong tác phẩm “Người ăn chay”, phần đầu tiên miêu tả hình ảnh chị vợ gọi điện nhờ anh chồng về trông con vì ngày hôm đó có việc ở cửa hàng về muộn. Anh chồng quay trở về nhà bế đứa con từ nhà hàng xóm về căn hộ của mình.

Thực chất trong lòng anh ta không muốn làm công việc đó, anh ấy chỉ muốn quay trở lại nơi làm việc để tiếp tục hoàn thiện tiếp tác phẩm của anh. Trong đầu người chồng chỉ đau đáu đến tác phẩm đang thực hiện. Anh đã bế đứa con về nhà và để một mình. Trong lúc ấy, tiếng giày của anh ấy lộp cộp vang lên trong hành lang tối và lạnh lẽo.

“Tôi phải tưởng tượng có thể dùng từ ngữ nào để miêu tả sự lạnh lẽo đó. Lạnh lẽo ở đây không phải của không khí về thời tiết mà lạnh lẽo của tình người, của người cha dành cho đứa con và sự trách nhiệm của người chồng đối với gia đình.

Tới tiếng mút tay chụt chụt của em bé khi đang ngủ, tôi phải suy nghĩ dùng từ ngữ nào để miêu tả sự cô độc, đáng thương trong hoàn cảnh đó cũng như sự bất lực của người vợ”, nữ dịch giả tiếp lời.

Làm thế nào ra được một tác phẩm có thể truyền tải được những thông điệp, những thái độ ở đó đều phải dựa vào quá trình tìm tòi, sáng tạo của dịch giả. Nhiều người hỏi dịch giả Hoàng Hải Vân, vì sao tác phẩm này lại tăm tối và đau khổ đến thế. Bản thân bà sau khi dịch xong tác phẩm cũng chưa trả lời được câu hỏi đó.

“Sau một quá trình dài nghiền ngẫm, tôi nhận ra Han Kang đã miêu tả những sang chấn về mặt tâm lý mà nhân vật đã phải chịu đựng từ những ký ức vô cùng đau đớn thời thơ ấu”, bà Vân nói.

Người bố trong câu chuyện từng đi chiến đấu và chịu tổn thương tâm lý nặng nề vì chiến tranh. Ông đem bạo lực chiến tranh về gia đình và đè nặng lên những đứa con. Ám ảnh về bạo lực từ người bố khiến những người con có xu hướng cam chịu hoặc phản kháng lại mọi người xung quanh trong cuộc sống sau này.

Như cô chị trở thành một con người cam chịu, trong cuộc sống hôn nhân với người chồng, người chồng vô trách nhiệm đến đâu chị ấy không bao giờ dám nói nửa lời, không bao giờ muốn bộc lộ sự bất mãn của mình. Người em trai thì phản kháng bằng cách ra ngoài đánh lại cái đứa trẻ đồng trang lứa. Còn Yeong-hye chịu tổn thương nặng nề nhất.

Có một chi tiết đắt giá và điển hình miêu tả sự đáng sợ của bạo lực, cảnh ông bố buộc con chó vào xe máy, chạy nhiều vòng quanh làng, kéo lê để nó chết trong trạng thái mắt đỏ, hộc máu để có thể ăn một miếng thịt ngon hơn, mềm hơn.

Yeong-hye ở trong câu chuyện cũng ăn miếng thịt đó, cũng húp bát canh đó. Với tâm hồn ngây thơ và non nớt của một đứa trẻ, cô bé ấy thấy bát canh ngon, miếng thịt ngon nhưng không thể ngờ được rằng đã ăn và ngấm cái bạo lực vào trong tâm thức của mình.

Cô ý thức về sự bạo lực đó, sự sợ hãi đã ám ảnh cô ấy, trở thành nỗi đau về mặt tâm lý đến thấu xương. Cô tự thốt rằng, nguyên nhân chính từ sự ăn thịt, sự ăn thịt đại diện cho bạo lực, là nguyên nhân mang đến tội ác, làm cho con người có thể giết hại lẫn nhau. Vì vậy, Yeong-hye đã phản kháng lại bạo lực bằng cách cực đoan nhất, tưởng tượng nếu như mình không ăn thịt nữa, mình sẽ có thể biến thành cái cây để không làm hại được ai.

Theo bà Vân, sự phản kháng của Yeong-hye là sự phản kháng bạo lực, phản kháng chiến tranh, phản kháng chế độ gia trưởng trong gia đình. Han Kang đã miêu tả số phận của nhân vật nữ nhưng đó là sự miêu tả nỗi đau, sự tổn thương của cả một thế hệ.

Những con người cũng phải chịu sự tổn thương về mặt tâm lý sâu sắc từ chiến tranh và bạo lực. Đây chính là sự nhân văn của tác phẩm, là cái được thế giới cũng như hội đồng nghệ thuật của giải Nobel đánh giá cao.

“Khi chúng ta nhận diện được vấn đề bạo lực, chúng ta cần tìm cách xoa dịu vết thương của những người đã chịu tổn thương. Nhận ra vấn đề giúp chúng ta biết cách sống chung và chữa lành nỗi đau. Phải chăng đây là giá trị nhân văn vô cùng to lớn mà tác phẩm của Han Kang đã đem lại giá trị cho người đọc”, dịch giả cuốn “Người ăn chay” nói.

 Dịch giả Hoàng Hải Vân (giữa) và các dịch giả truyện 'Người ăn chay' trong Festival Văn học châu Á vào năm 2018. Ảnh: NVCC

Dịch giả Hoàng Hải Vân (giữa) và các dịch giả truyện 'Người ăn chay' trong Festival Văn học châu Á vào năm 2018. Ảnh: NVCC

Giới và nữ quyền

Trong hơn mười năm gần đây, vấn đề về nữ quyền đã trở thành một làn sóng ở Hàn Quốc. Nhiều tác giả nữ không chỉ thể hiện điều này trong thể loại văn xuôi mà ở thể loại thơ, trở thành một điểm rất nổi cộm trong văn học Hàn Quốc.

Bàn luận về tác phẩm của Han Kang, TS Hồ Khánh Vân - Phó Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, đặc trưng của Han Kang khi đề cập đến thể chế gia trưởng, bà hay chú ý đến quyền lực tối thượng của nam giới - quyền lực nam trị.

“Nó không thể hiện một cách dữ dội mà nó ẩn vào trong vấn đề của đời thường nên tôi gọi nó là dạng thức nam trị đội lốt đời thường. Chẳng hạn, vai trò làm mẹ luôn là gánh nặng đặt trên vai người phụ nữ, người mẹ chăm con rồi đưa con đi học…

Gần như không chỉ châu Á, các tác phẩm của phương Tây cũng vậy, phụ nữ luôn luôn là người gánh vác trách nhiệm ấy. Từ đó, tôi chú ý đến cách phản ứng của nữ giới trong tác phẩm của Han Kang, tôi gọi đó là cái cách phản ứng bằng xung đột phi bạo lực”, bà Khánh Vân nói.

Người đọc có thể thấy tác phẩm của Han Kang tràn đầy bạo lực, nhất là bạo lực từ phía nam giới, kể cả trong phương diện chính trị. Nhưng khi người nữ phản ứng lại, nó rất quyết liệt, nó mạnh mẽ nhưng nó phi bạo lực.

Đó là một hành trình tự hủy và tự chuyển hóa, cụ thể là hành trình thực vật hóa của nhân vật bằng ý niệm sinh quyền và khái niệm sự tự trị ở nữ giới. Yeong-hye muốn đến gần với cái cây, muốn biến thành một trạng thái thực vật.

Bà Khánh Vân cũng đánh giá chi tiết Yeong-hye để ngực trần minh chứng sự yêu thương bản thân và khát khao tự chủ thân thể, đều phát khởi từ nữ quyền.

“Điều tôi thích là bà Han Kang không biết động thái để ngực trần của nhân vật như là một điều gì thể hiện ý thức mà có tính chất như một sự minh họa cho tư tưởng nữ quyền. Bà ấy tạo ra nhân vật rất tự nhiên.

Đây là chi tiết ngầm phê phán sự độc đoán của chế độ nam quyền, khi trong một xã hội văn hóa, nam giới vẫn có quyền cởi trần, thậm chí là lột trần người phụ nữ. Điều này cũng nằm trong đặc trưng của lối viết thân thể, khi người nữ dùng thân thể của họ để tư duy, khám phá chính mình”, bà Khánh Vân nói thêm.

“Han Kang là một người phụ nữ dũng cảm nhất thế giới, vì bà dám đối diện với những vết thương trong lòng, đi xuyên qua và chữa lành nó. Han Kang có thể trở thành một hình mẫu văn chương cho phụ nữ châu Á, đặc biệt là những người yêu văn chương Hàn Quốc”. TS Bùi Phan Anh Thư, Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh

Thùy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/han-kang-tu-nu-quyen-den-vet-thuong-chien-tranh-post712793.html
Zalo