Hạn chế xe cá nhân: Lộ trình nào cho giao thông công cộng?

Mỗi khi việc hạn chế xe cá nhân vào nội đô được đưa ra, ý kiến phản đối đầu tiên được nhắc đến là việc đi lại của người dân thế nào, khả năng đáp ứng của vận tải hành khách công cộng đến đâu.

Vậy thực tế, lộ trình đáp ứng của vận tải hành khách công cộng như thế nào trong kế hoạch hạn chế phương tiện vào nội đô?

Hệ thống giao thông công cộng chưa thật sự thuận tiện, cũng như các thông tin về khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến các mốc 2027, 2030, 2035 cũng chưa được thông tin minh bạch.

Hệ thống giao thông công cộng chưa thật sự thuận tiện, cũng như các thông tin về khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến các mốc 2027, 2030, 2035 cũng chưa được thông tin minh bạch.

Sinh sống tại quận Thanh Xuân, ngày nào chị Nguyễn Thúy Nhung cũng phải đi xe máy hơn 10km để đến chỗ làm tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Dù tán thành việc hạn chế phương tiện vào nội đô, song chị Nhung vẫn băn khoăn, chưa chuyển sang phương tiện công cộng vì chỉ riêng thời gian đi từ nhà ra bến xe buýt đã gần 10 phút.

"Giảm thiểu ô nhiễm không khí thì dân rất hoan nghênh, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho người ta đi lại thuận lợi đã. Giao thông công cộng của mình chưa phủ kín nên vẫn rất bất tiện", chị Nhung nói.

Một số người tham gia giao thông cũng băn khoăn, vì hệ thống giao thông công cộng chưa thật sự thuận tiện, cũng như các thông tin về khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến các mốc 2027, 2030, 2035 cũng chưa được thông tin minh bạch:

"Thay thế thì họ dịch chuyển bằng phương tiện gì, mà phương tiện có đảm bảo họ đến nơi cần thiết được không, hay là lại một hệ thống ách tắc giao thông tiếp ở các cổng ngoại ô?".

"Nhà nước chưa ra, cái đấy chưa thể biết được như thế nào, nhưng em thấy cái này cũng rất nan giải, phức tạp".

"Em cũng muốn sử dụng các phương tiện công cộng nhiều hơn, vì khi chuyển bằng xe máy nó khá ô nhiễm, khói bụi, tắc đường".

Cần minh bạch thông tin về lộ trình đặt ra để vận tải hành khách công cộng có thể thay thế phương tiện cá nhân.

Cần minh bạch thông tin về lộ trình đặt ra để vận tải hành khách công cộng có thể thay thế phương tiện cá nhân.

Giải thích về tỷ lệ đáp ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện chỉ đạt khoảng 19,5%, trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 30-35%, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội, là do ảnh hưởng của dịch Covid và sự chậm trễ của những dự án đường sắt đô thị.

Nói về mục tiêu trong các mốc tiếp theo, 2027, 2030 cũng như việc thiếu thông tin về những con số mục tiêu này, ông Tiến cho biết, các con số này vẫn đang được tính toán:"Hiện nay tất cả các con số tỷ lệ phần trăm đang tính toán, trên cơ sở nghiên cứu của TEDI (Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải) từ năm 2013. Do vậy, các chỉ số này đang biến động.

Do vậy, phải có một nghiên cứu tổng thể, có đề án của các chuyên gia, chuyên ngành để đánh giá một cách toàn diện về năng lực phục vụ, nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như một loạt các chính sách, các cơ chế và đòi hỏi sự tham gia đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như tất cả những người dân trên địa bàn Thành phố".

Một số chuyên gia cũng khẳng định, vận tải công cộng là thành phần quan trọng đối với việc hạn chế phương tiện vào nội đô, hay xây dựng vùng phát thải thấp. Vận tải hành khách công cộng phát triển sẽ giúp giảm phương tiện cá nhân, qua đó giảm phát thải.

Bởi vậy, việc đặt ra mục tiêu và thông tin về mục tiêu của hệ thống vận tải hành khách công cộng rất quan trọng để người dân đồng lòng thực hiện và giám sát. Về điều này, TS Đinh Thị Thanh Bình, Trường Đại học GTVT phân tích:

"Giả sử chúng ta xây dựng được hệ thống vận tải công cộng tốt, và chúng ta cứ để như vậy, thì người ta có chuyển sang phương tiện công cộng không, hay Nhà nước vẫn phải bỏ ra hàng năm một lượng ngân sách cực kỳ lớn để trợ giá cho nó bởi vì không có khách".

Chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn cũng dẫn chứng, việc hạn chế phương tiện vào nội đô, xây dựng vùng phát thải thấp, hay thu phí phương tiện vào nội đô thực chất là để người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Khi xe buýt không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về sự tiện nghi, nhanh chóng và thuận tiện, người dân khó lòng từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng giao thông công cộng

Khi xe buýt không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về sự tiện nghi, nhanh chóng và thuận tiện, người dân khó lòng từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng giao thông công cộng

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu này, kéo người dân đến với phương tiện vận tải công cộng bằng chất lượng dịch vụ, cơ quan quản lý cần minh bạch thông tin về lộ trình đặt ra để vận tải hành khách công cộng có thể thay thế phương tiện cá nhân.

"Tiền đề của nó là chúng ta có hệ thống giao thông công cộng đủ tốt thì chúng ta mới đẩy người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang giao thông công cộng. Hệ thống giao thông công cộng đủ tốt đấy phải đảm bảo nguyên tắc là dịch vụ phải được cung cấp đi trước", chuyên gia Vũ Anh Tuấn cho biết.

Rõ ràng việc hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô/xây dựng vùng phát thải thấp là rất cần thiết trong bối cảnh ùn tắc và ô nhiễm trong khu vực lõi đô thị ngày càng nghiêm trọng. Tuy vậy, để người dân đồng thuận với các chính sách này, hệ thống vận tải công cộng – biện pháp đi lại thay thế phải được xây dựng và phát triển đủ tốt, cùng với đó là thông tin rộng rãi, minh bạch, chứ không phải dựa trên thông tin một cách tù mù.

Việc xây dựng hệ thống giao thông xanh trong khu vực lõi đô thị, thể hiện bằng các vùng phát thải thấp đã trở thành mục tiêu quan trọng của nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, mỗi khi chính sách này được nêu ra, lực cản đầu tiên thường được người dân viện dẫn là hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Có nhiều lý do khiến người dân ngần ngại sử dụng xe buýt, trong đó có nguyên nhân vì dịch vụ này chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu cơ bản của họ, với những hạn chế, như: Chất lượng dịch vụ chưa cao; Lộ trình không phù hợp; Thời gian chờ xe buýt ở nhiều tuyến còn kéo dài, đặc biệt trong giờ cao điểm, gây bất tiện và làm mất thời gian của hành khách.

Khi xe buýt không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về sự tiện nghi, nhanh chóng và thuận tiện, người dân khó lòng từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng giao thông công cộng.

Một yếu tố khác khiến việc thúc đẩy sử dụng xe buýt trở nên khó khăn là thiếu sự thông tin về tỷ lệ đáp ứng của hệ thống xe buýt. Mặc dù cơ quan chức năng thi thoảng đưa ra những con số về tỷ lệ đáp ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng, khoảng 12%, 15%, thậm chí gần 20%, song cơ sở để đưa ra những con số này hầu như rất ít được thông tin đến người dân.

Hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô là một mục tiêu cần thiết để giảm ùn tắc và ô nhiễm trong khu vực đô thị lõi.

Hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô là một mục tiêu cần thiết để giảm ùn tắc và ô nhiễm trong khu vực đô thị lõi.

Đó là chưa kể với những giai đoạn tiếp theo, khi sự đồng thuận của người dân đóng vai trò rất quan trọng để thực thi các chính sách xây dựng vùng phát thải thấp, hạn chế xe cơ giới chạy diesel vào vùng đô thị lõi, thì mục tiêu tăng trưởng tỷ lệ đáp ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng vẫn rất… tù mù.

Ngay cả với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, mặc dù được nhiều người dân đón nhận, song sau hơn 3 năm vận hành thương mại, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội vẫn chưa đánh giá được tỷ lệ đáp ứng của tuyến đường sắt đô thị này với nhu cầu đi lại của người dân.

Khi không có số liệu đáng tin cậy, người dân và các nhà hoạch định chính sách khó đưa ra những quyết định hợp lý để thúc đẩy sử dụng xe buýt hoặc điều chỉnh phương án hạn chế phương tiện cá nhân.

Bởi vậy, để thực hiện việc hạn chế phương tiện vào nội đô, cần có những biện pháp thiết thực nhằm cải thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng. Việc xây dựng hệ thống giao thông xanh, không ô nhiễm, thậm chí hạn chế một số loại phương tiện vào vùng đô thị lõi có thể thực hiện song hành với kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng, song bản thân hệ thống vận tải hành khách công cộng cũng phải đặt mục tiêu, lộ trình thay thế phương tiện cá nhân qua từng năm, từng giai đoạn.

Việc đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực bị hạn chế sử dụng xe máy, ô tô cá nhân sẽ được thay thế bằng các tuyến xe buýt nhỏ hoặc xe buýt điện có chức năng gom khách từ các khu dân cư và tuyến đường có mặt cắt hẹp ra các tuyến phố chính. Bổ sung các điểm đỗ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ xe buýt.

Đặc biệt, trong lộ trình tăng dần tỷ lệ đáp ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng đó, cần minh bạch hóa thông tin, công bố công khai đến người dân, để có sự sẻ chia, đồng hành và cả giám sát. Khi có được sự đồng thuận của người dân, có thông tin về tỷ lệ đáp ứng của hệ thống vận tải hành khách công cộng, các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, hay việc chuyển đổi phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu diesel sang nhiên liệu sạch, không phát thải mới thật sự minh bạch và đủ sức thuyết phục.

Hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô là một mục tiêu cần thiết để giảm ùn tắc và ô nhiễm trong khu vực đô thị lõi. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Một hệ thống xe buýt hiện đại, minh bạch và tiện lợi sẽ là điều kiện tiên quyết để giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và hướng đến một đô thị xanh, sạch, văn minh, bền vững.

Quách Đồng/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/han-che-xe-ca-nhan-lo-trinh-nao-cho-giao-thong-cong-cong-post1137801.vov
Zalo