Hạn chế tác động tiêu cực khi thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất
Ngày 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết xây dựng nghị quyết, song đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình thực tiễn của việc phát triển nhà ở thương mại, hiệu quả của việc sử dụng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá thực trạng của việc mua gom, đầu cơ đất đai; giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của việc thí điểm.
Về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật Đất đai đã quy định điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất, trong đó quy định rất chặt chẽ về điều kiện nhận và chuyển quyền sử dụng đất đối với các loại đất khác nhau.
“Quy định như dự thảo nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý song song với các quy định tại Luật Đất đai về đất để đầu tư nhà ở thương mại trong thời gian thí điểm; có khả năng gây mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định liên quan đến lâm nghiệp, quốc phòng, an ninh, tín ngưỡng, tôn giáo”, ông Vũ Hồng Thanh nhận định.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, nghiên cứu, xác định cụ thể từng loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại; làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm đối với điều kiện nhận chuyển nhượng; bổ sung nguyên tắc bảo đảm giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất lúa, giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%.
Các ý kiến tại phiên họp của UBTVQH cho rằng, Chính phủ xem xét cụ thể các địa phương còn vướng mắc để có phương án thí điểm phù hợp. Về phạm vi, không phải tất cả các địa phương trên toàn quốc đều có vướng mắc. Thực tế, một số địa phương không có vướng mắc, cũng không đề xuất thực hiện thí điểm. Đây là chính sách lớn, tác động lớn đến nền kinh tế, do vậy, nếu thí điểm trên phạm vi toàn quốc thì việc xử lý các tác động của chính sách sẽ rất phức tạp.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTVQH và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện nội dung tờ trình, bổ sung làm rõ cơ sở, căn cứ, tính cấp thiết, tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với kết luận của cấp có thẩm quyền về việc chọn thí điểm trên phạm vi toàn quốc, cũng như các điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm.
“Việc thực hiện thí điểm phải đảm bảo tuân thủ các quy định về diện tích trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, các chỉ tiêu về đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Chính phủ phải dự báo đầy đủ rủi ro, đưa vào nghị quyết các quy định phù hợp để thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn tiêu cực, đầu cơ, trục lợi chính sách, tránh tình trạng để đất hoang hóa hoặc xây dựng tràn lan, lãng phí”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Trước đó, trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, nghị quyết này quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đối với các trường hợp: (1) Tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất; (2) Tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất; (3) Tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất; (4) Tổ chức kinh doanh bất động sản được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.