Hạn chế rác thải nhựa từ những hành động cụ thể

Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt. Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực nhằm chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (huyện Vĩnh Cửu) tại Chợ thiết bị và công nghệ Đồng Nai 2024. Ảnh:V.Gia

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (huyện Vĩnh Cửu) tại Chợ thiết bị và công nghệ Đồng Nai 2024. Ảnh:V.Gia

Tỉnh đã ban hành Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đồ nhựa. Tuy nhiên, với khả năng phân hủy lên đến hàng trăm năm, để hạn chế rác thải nhựa vẫn cần nhiều hơn những hành động cụ thể, thiết thực.

Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường

Với 3,2 triệu dân thì lượng rác thải nhựa ở Đồng Nai là khá lớn. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 2 ngàn tấn chất thải sinh hoạt, trong đó tỷ lệ rác thải nhựa khoảng từ 120-140 tấn. Rác thải nhựa bao gồm các vật dụng đã qua sử dụng như: chai, ly, muỗng, bao bì, túi
ny-lông hay các sản phẩm nhựa gia dụng khó phân hủy...

Để giảm thiểu rác thải nhựa, năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, tập trung nhiều giải pháp như: chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa thành sản phẩm hữu ích sử dụng trong nước và xuất khẩu. Thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức người dân về tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, hay tái sử dụng đồ nhựa để hạn chế thải chúng ra môi trường.

Về lâu dài, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về hạn chế sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, sử dụng 100% túi ny-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị thay thế cho túi ny-lông khó phân hủy; 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi
ny-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần…

Theo các nhà khoa học, hiện nay, đã có nhiều công nghệ tiên tiến nhằm xử lý và tái chế rác thải nhựa. Về lâu dài, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa, qua đó hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích phát hiện, phổ biến và trao giải thưởng môi trường đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Bà Đặng Thùy Dương, Phó trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường, cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện nhân rộng mô hình Phân loại rác tại nguồn; phát động Phong trào Đổi rác lấy quà nhằm khuyến khích người dân phân loại rác thải nhựa tại nguồn, góp phần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Hành động bằng những việc làm cụ thể

Hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa, hệ thống các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh đồng loạt cung cấp các loại túi được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường cho khách hàng như: túi vải, sử dụng lá chuối để gói rau…

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa, chia sẻ hàng năm, siêu thị đều tổ chức Tháng Tiêu dùng xanh để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng; thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, ly nhựa, muỗng nhựa bằng các sản phẩm làm từ tre, giấy hoặc kim loại có thể tái sử dụng. Đồng thời siêu thị thường xuyên tư vấn và khuyến khích khách hàng sử dụng túi tái sử dụng nhiều lần và được tặng điểm thưởng vào các ngày thứ năm hàng tuần.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn quốc gia Cát Tiên, cho hay nhận thức được mối nguy hại từ rác thải nhựa, từ nhiều năm nay, Vườn quốc gia Cát Tiên đã nói không với rác thải nhựa và túi ny-lông; cam kết thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ny -lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ny-lông khó phân hủy sang các loại túi thân thiện với môi trường.

“Cơ quan chức nên bổ sung tiêu chuẩn giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny-lông khó phân hủy trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch để đánh giá chất lượng các khu du lịch” - ông Bình đề xuất.

Bên cạnh việc hạn chế sử dụng từ người tiêu dùng thì việc tái chế cũng rất quan trọng. Ông Huỳnh Phước Lộc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (huyện Vĩnh Cửu), cho biết công ty là thành viên của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam. Sản phẩm tái chế chủ yếu của công ty hiện nay là nhựa thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Thanh Tùng 2 sẽ nghiên cứu sản xuất thêm nhiều sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa nhưng vẫn tuân thủ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường nhằm tạo những sản phẩm có lợi ích kinh tế, giảm bớt nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt của đất nước.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/han-che-rac-thai-nhua-tu-nhung-hanh-dong-cu-the-3b16333/
Zalo