Hamas 'sẵn sàng hợp tác' nếu Mỹ gây sức ép với Israel chấm dứt xung đột
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 15/5, một quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể giúp mang lại hòa bình cho Dải Gaza, và Hamas sẵn sàng trao trả quyền quản lý Gaza, cũng như thúc đẩy hợp tác với Mỹ, nếu Washington gây sức ép buộc Israel chấm dứt xung đột.

Ông Basem Naim - quan chức cấp cao của Hamas. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sky News ngày 15/5, thành viên cấp cao của văn phòng chính trị Hamas, ông Basem Naim khẳng định lực lượng này đã chia sẻ một kế hoạch ngừng bắn trực tiếp với các quan chức Mỹ và đề nghị trao trả quyền quản lý Dải Gaza “ngay lập tức”, nếu hai bên đạt được kết quả chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. Theo ông Naim, đề xuất trên kêu gọi trao đổi tù nhân, rút toàn bộ lực lượng Israel, cho phép tất cả viện trợ vào Dải Gaza và tái thiết vùng đất này mà không cần cưỡng bức di dời người Palestine. Ông Naim cũng cho biết Hamas đã chấp nhận đề xuất hòa bình của Ai Cập, theo đó một cơ quan độc lập về chính trị sẽ được thành lập để điều hành Gaza.
Quan chức cấp cao của Hamas bày tỏ tin tưởng Tổng thống Trump “có khả năng và ý chí để giúp đạt được hòa bình”. Ông nhấn mạnh Hamas sẵn sàng hợp tác với ông Trump để “đạt được mục tiêu về một khu vực hòa bình hơn”.
Trước đó, trong một động thái thể hiện thiện chí đối với các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Hamas và Mỹ, phong trào vũ trang của Palestine đã thả con tin mang hai quốc tịch Mỹ - Israel, Edan Alexander vào ngày 12/5, nhân chuyến công du của ông Trump tới Trung Đông. Hamas hối thúc chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục nỗ lực chấm dứt xung đột ở Gaza.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết sẵn sàng xem xét các đề xuất thay thế để đưa viện trợ vào Gaza, sau khi Liên hợp quốc (LHQ) phản đối kế hoạch cung cấp viện trợ do một tổ chức tư nhân đưa ra, được Israel và Mỹ hậu thuẫn.
Phát biểu với báo giới tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Rubio bày tỏ “lo ngại về tình hình nhân đạo” ở Gaza, khẳng định “sẵn sàng chấp nhận một giải pháp thay thế” để đưa viện trợ vào Gaza một cách nhanh chóng.
Trước đó, ngày 14/5, Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) thông báo bắt triển khai các hoạt động viện trợ tại Gaza từ cuối tháng 5, gần 3 tháng sau khi Israel cắt đứt mọi nguồn cung cấp thực phẩm và hàng tiếp tế cho lãnh thổ Palestine. LHQ bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch viện trợ này không tuân thủ các nguyên tắc nhân đạo cơ bản như tính nhân đạo, không thiên vị, độc lập và trung lập.
Theo thông tin trên thực địa, ngày 15/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bệnh viện cuối cùng ở Gaza cung cấp dịch vụ chăm sóc ung thư và tim mạch đã ngừng hoạt động sau một cuộc tấn công của Israel.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cuộc tấn công ngày 13/5 đã khiến Bệnh viện châu Âu ở Khan Yunis "bị hư hại nghiêm trọng và không thể tiếp cận". Theo ông, bệnh viện này "không còn hoạt động nữa" và WHO đã sơ tán nhân viên y tế khẩn cấp đã làm việc tại đây trong suốt thời gian qua đến Khu phức hợp Y tế Nasser.
Tổng Giám đốc WHO cho biết thêm: "Việc đóng cửa bệnh viện đã làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng như phẫu thuật thần kinh, chăm sóc tim và điều trị ung thư - tất cả đều không khả dụng ở những nơi khác tại Gaza”. Theo ông Ghebreyesus, việc đóng cửa cũng chấm dứt vai trò của cơ sở này như một trung tâm chính cho các cuộc sơ tán y tế, gây thêm căng thẳng cho hệ thống y tế đang quá tải.