Halal: Hướng đi mới, mũi nhọn mới trong triển khai ngoại giao kinh tế

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng kỳ vọng Việt Nam sẽ tiến từng bước vững chắc, khẳng định vị thế trên bản đồ Halal thế giới thông qua việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế để khai mở thị trường Halal toàn cầu cho địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.

Tọa đàm "Ngoại giao kinh tế 50 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước", ngày 14/10. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tọa đàm "Ngoại giao kinh tế 50 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước", ngày 14/10. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hội nghị Halal Việt Nam 2024 “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” là hội nghị quốc tế đầu tiên về phát triển ngành Halal, Thứ trưởng có thể cho biết mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện?

Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên, có quy mô lớn nhất về Halal do Việt Nam tổ chức, có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ngành Halal và nền kinh tế Việt Nam, với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 500 đại biểu đến từ 50 quốc gia là các thị trường Halal tiêu biểu trên thế giới.

Hội nghị là sáng kiến của Bộ Ngoại giao, với sự đồng chủ trì của các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và sự phối hợp tích cực của các Bộ, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tạo chuyển biến thực chất và triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp “cùng hợp tác và cùng phát triển” với các đối tác Halal trên thế giới nhằm phát huy tối đa các thế mạnh, lợi thế so sánh của Việt Nam để đóng góp thực chất cho sự phát triển chung của ngành Halal toàn cầu.

Đây là hội nghị đầu tiên đặt vấn đề phát huy, kết hợp giữa “nội lực” từ các tiềm năng, thế mạnh trong nước với “ngoại lực” đến từ việc phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế để phục vụ phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện và bền vững. Phiên toàn thể và hai Phiên thảo luận của Hội nghị sẽ trao đổi, đánh giá toàn diện về tiềm năng, triển vọng, các thuận lợi, khó khăn trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam. Hội nghị cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược trong xây dựng và phát triển ngành Halal trên thế giới. Thông qua đó, các đại biểu sẽ có những đề xuất biện pháp góp phần hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal một cách bài bản, chuyên nghiệp; giúp các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam tham gia sâu vào thị trường Halal toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược phẩm và mỹ phẩm…

Có thể nói, Hội nghị là “cơ hội vàng” để Việt Nam thúc đẩy giao lưu văn hóa, xây dựng niềm tin và tạo dựng quan hệ đối tác bền vững với các quốc gia Hồi giáo/phi Hồi giáo trên thế giới. Chúng tôi tin rằng, thông qua hội nghị này, ngành Halal Việt Nam sẽ có những bước tiến quan trọng, hướng tới khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ Halal thế giới.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của địa phương, doanh nghiệp.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả bước đầu chúng ta đã đạt được?

Tại Hội nghị giao ban về ngoại giao kinh tế (tháng 4/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói “động lực bắt nguồn từ sự đổi mới”. Từ phương châm này Bộ Ngoại giao đã tiên phong đề xuất, thúc đẩy huy động các nguồn lực quốc tế, phục vụ phát triển ngành Halal Việt Nam.

Ngay từ năm 2020, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức nhiều Diễn đàn, Tọa đàm trong và ngoài nước nhằm đánh giá thực chất tiềm năng, triển vọng thị trường Halal toàn cầu cũng như thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xác định hợp tác quốc tế là ưu tiên quan trọng trong phát triển ngành Halal. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” (Đề án Halal) vào 14/2/2023 đã tạo tiền đề để tăng cường thu hút nguồn lực phát triển ngành Halal Việt Nam.

Trên cơ sở Đề án Halal, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực trong xây dựng các Kế hoạch hành động để phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Halal một cách bài bản, chuyên nghiệp, coi đây là một trong những hướng đi mới, mũi nhọn mới của công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, nổi bật là:

Thứ nhất, tích cực lồng ghép nội dung về Halal trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, đưa Halal trở thành nội dung hợp tác mới giữa Việt Nam với các quốc gia Hồi giáo, phi Hồi giáo và các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác quốc tế chuyên ngành, ký kết và triển khai các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác Halal giữa Việt Nam với một số đối tác Hồi giáo quan trọng/phi Hồi giáo.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm Halal, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương Việt Nam kết nối với các đối tác Halal toàn cầu.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của địa phương, doanh nghiệp và người dân về Halal với nhiều hình thức phong phú như xuất bản các ấn phẩm, đặc san Halal, thành lập chuyên mục Halal trên Báo Thế giới và Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền Halal trên các phương tiện điện tử, truyền thông...

Thứ năm, phối hợp thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước, quy định pháp luật liên quan đến chứng nhận, tiêu chuẩn Halal, trong đó nổi bật là thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia đầu tiên tại Việt Nam (HALCERT) và xây dựng Bộ tiêu chuẩn quốc gia về Halal.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng. (Ảnh: Bảo Chi)

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng. (Ảnh: Bảo Chi)

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao thể hiện rõ vai trò tiên phong trong xây dựng và triển khai Đề án Halal, vậy những thách thức nào đang làm khó chúng ta và cơ hội mới đối với địa phương, doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?

Là cơ quan được giao chủ trì xây dựng và triển khai Đề án Halal, chúng tôi thấy rõ năm khó khăn, thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt trong tham gia vào thị trường Halal toàn cầu:

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thông tin về thị trường Halal toàn cầu, các quy định thương mại, tập quán kinh doanh, tiêu dùng, văn hóa Hồi giáo, đặc biệt các yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn Halal và chứng nhận Halal.

Hai là, Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ và hoạt động chứng nhận Halal. Đây là điều kiện rất quan trọng để phát triển ngành Halal một cách bài bản, chuyên nghiệp và bền vững.

Ba là, một hệ sinh thái Halal đồng bộ chưa thật sự hình thành tại Việt Nam, trong đó chúng ta chưa có các cơ sở sản xuất và hệ thống phân phối, bán lẻ dành riêng cho sản phẩm Halal, các khách sạn, cơ sở du lịch đạt tiêu chuẩn Halal…

Bốn là, nhiều doanh nghiệp, địa phương gặp khó khăn trong việc xin cấp chứng nhận Halal. Chi phí cấp chứng nhận Halal cao, không có giá trị vĩnh viễn và không có tiêu chuẩn thống nhất trên phạm vi toàn cầu.

Năm là, Việt Nam chưa có đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.

Vượt qua được những thách thức trên, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều thế mạnh và cơ hội để tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu:

Cần khẳng định tiềm năng, triển vọng của thị trường Halal toàn cầu còn rất lớn. Thị trường Halal toàn cầu có quy mô lớn với hơn 2 tỷ người Hồi giáo vào năm 2024 và quy mô kinh tế Halal toàn cầu được dự báo sẽ đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, gồm nhiều lĩnh vực đa dạng thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch, thời trang, truyền thông giải trí và tài chính Hồi giáo... Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, không chỉ ở những người theo đạo Hồi mà cả những người không theo đạo Hồi do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ phát triển ngành Halal toàn diện, bền vững và tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu. Đồng thời, hợp tác về Halal sẽ trở thành một nội hàm quan trọng, một động lực mới trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng chung của Việt Nam và các nước.

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/halal-huong-di-moi-mui-nhon-moi-trong-trien-khai-ngoai-giao-kinh-te-290393.html
Zalo