Haiti: Xung đột quyền lực với Hội đồng chuyển tiếp, ông Conille mất chức thủ tướng sau 5 tháng năm quyền, ai kế nhiệm?
Hội đồng chuyển tiếp (CPT) của Haiti đã chính thức phế truất Thủ tướng Garry Conille vào ngày 10/11, chỉ sau 5 tháng ông nắm quyền, và bổ nhiệm người mới kế nhiệm trong ngày 11/11.
Báo The Haitian Times đưa tin, doanh nhân Alix Didier Fils-Aimé, cựu ứng cử viên Thượng viện dưới sự ủng hộ của đảng chính trị Verite, được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới. Lễ nhậm chức của ông diễn ra vào ngày 11/11 (giờ địa phương) và chính phủ mới được thành lập ngay sau đó.
Quyết định phế truất Thủ tướng Conille do 8 trong số 9 thành viên của CPT ký.
Theo thông tin từ báo chí địa phương, xung đột giữa ông Conille và CPT đã gia tăng trong tuần qua, khi CPT đề xuất thay thế các lãnh đạo trong các lĩnh vực tư pháp, tài chính, quốc phòng và y tế nhưng bị ông Conille phản đối.
Về phần mình, ông Conille, 58 tuổi, một chuyên gia trong lĩnh vực phát triển dày dạn kinh nghiệm của Liên hợp quốc, cũng yêu cầu ba thành viên của CPT từ chức do cáo buộc tham nhũng.
Trước quyết định bãi nhiệm trên, ông Conille cáo buộc CPT vi phạm các nguyên tắc dân chủ và tính hợp pháp của quyết định, đồng thời cho rằng, động thái này có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho tương lai của Haiti. Ông Conille cảnh báo báo chí quốc gia không được công bố sắc lệnh của CPT
Trong một lá thư gửi báo Le Moniteur, ông lập luận rằng, CPT không có thẩm quyền để cách chức ông mà chỉ có Quốc hội Haiti mới có thể làm như vậy. Tuy nhiên, Haiti hiện đang trong tình trạng không có cơ quan lập pháp vì trên thực tế, quốc đảo Caribbean này chưa tổ chức bầu cử kể từ năm 2016.
Trong những trường hợp bình thường, Hiến pháp Haiti quy định rằng Quốc hội, chứ không phải hội đồng lâm thời, sẽ nắm giữ thẩm quyền thay thế thủ tướng. Tuy nhiên, vì không có Quốc hội và lãnh đạo không được bầu một cách dân chủ nên CPT quản lý quá trình chuyển đổi của Haiti hướng tới sự ổn định và bầu cử.
Haiti hiện đang trong tình trạng không có cơ quan lập pháp, khi trên thực tế, quốc đảo Caribbean này chưa tổ chức bầu cử kể từ năm 2016. Tình trạng bạo lực băng đảng ngày một nghiêm trọng trong thời gian qua, đặc biệt tại thủ đô Port-au-Prince, nơi các băng nhóm tội phạm hiện đang kiểm soát khoảng 80% diện tích.
Theo ước tính của LHQ, hơn 4.200 người đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi bạo lực gia tăng xung quanh thủ đô Porte-au-Prince từ ngày 17/10, hầu hết đang lánh nạn tại các trại tạm thời ở trường học, nhà thờ và trung tâm y tế.
Tình trạng bạo lực ở quốc gia châu Mỹ này đã đẩy khoảng 700.000 người phải di dời và khiến hơn 5 triệu người phải đối mặt với nạn đói.