Haiti ban bố tình trạng khẩn cấp sau động đất 7,2 độ, lo sợ thảm kịch 2010 tái diễn
Thủ tướng Ariel Henry đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng trên khắp cả nước, đồng thời cam kết sẽ tránh tái diễn kịch bản của trận động đất năm 2010 khi viện trợ chậm đến tay người dân.
Số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,2 độ xảy ra sáng 14/8 tại khu vực Tây Nam Haiti đã tăng lên ít nhất 304 người, trong khi số người bị thương cũng lên đến gần 2.000 người và nhiều người vẫn còn mất tích hoặc vùi lấp trong các đống đổ nát. Thảm họa đã gợi lại ký ức kinh hoàng về trận động đất năm 2010 khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng. Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã ngay lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp cả nước.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết, tâm chấn của trận động đất cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 125 km về phía Tây. Cơ quan này ban đầu cảnh báo sóng thần cao từ 1 đến 3 m có thể tấn công một số khu vực ven biển ở Haiti, nhưng cho biết không còn mối đe dọa từ sóng thần sau đó một giờ. Thiệt hại trên diện rộng đã được báo cáo ở quốc gia nghèo nhất vùng Caribe này khi đồng thời một cơn bão nhiệt đới sắp ập xuống khu vực.
Người đứng đầu Cơ quan bảo vệ dân sự Haiti Chandler Jerrry cho biết:“Thật không may, chúng tôi đã ghi nhận 1.800 người bị thương. Một số người trong số họ đang ở bệnh viện và những người khác ở các trung tâm y tế đặc biệt.”
Lực lượng cứu hộ và người dân đang nỗ lực tìm kiếm những bị vùi lấp trong đống đổ nát. Hình ảnh và nhiều đoạn video ghi lại được cho thấy cảnh các đường phố tại các thị trấn miền Nam Jeremie và Les Cayes của Haiti gần như bị san phẳng, nhà cửa và xe cộ bị hư hại nặng. Một bức ảnh cho thấy phần đỉnh của Nhà thờ Thánh St Louis từ thế kỷ 19 đã sụp đổ hoàn toàn.
Thủ tướng Ariel Henry đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng trên khắp cả nước, đồng thời cam kết sẽ tránh tái diễn kịch bản của trận động đất năm 2010 khi viện trợ chậm đến tay người dân. Theo nhà lãnh đạo Haiti, một số thị trấn gần như đã bị san phẳng hoàn toàn và điều quan trọng nhất lúc này là cứu sống được càng nhiều người càng tốt.
“Chúng tôi đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực miền Tây, miền Nam, tại Nippes và tỉnh Grand'Anse, bên cạnh tình trạng khẩn cấp về y tế. Bộ Y tế cũng đã ngay lập tức bắt đầu phân phối thuốc tới các bệnh viện", Thủ tướng Ariel Henry nói.
Trong một động thái thể hiện tình đoàn kết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ định Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) chịu trách nhiệm điều phối hoạt động hỗ trợ Haiti. Theo ông Joe Biden, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ sẽ giúp đánh giá thiệt hại và hỗ trợ tái thiết.
Nhiều quốc gia cũng đã đề nghị giúp đỡ, trong đó có Argentina và Chile cho biết đang chuẩn bị gửi viện trợ nhân đạo. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã lên kế hoạch gửi vật tư y tế đến các bệnh viện miền Nam Haiti. Cơ quan này cũng đang đánh giá các nhu cầu cấp thiết của người dân, bao gồm nơi ở và nước sạch.
Trận động đất xảy ra vào một thời điểm khó khăn với Haiti khi nước này cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19. Chỉ tới tháng 7 vừa qua, đất nước với 11 triệu dân này mới nhận được lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên thông qua một chương trình của Liên Hợp Quốc dành cho các nước thu nhập thấp. Trận động đất cũng xảy ra chỉ hơn một tháng sau khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát, khiến đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn chính trị. Theo cơ quan bảo vệ dân sự Haiti, các nỗ lực cứu hộ đã bị cản trở do lở đất, cũng như sự chống phá của các băng đảng tội phạm.
Cách đây 11 năm, vào tháng 1/2010, một trận động đất đã san phẳng hầu như toàn bộ thủ đô Port-au-Prince. Ước tính khoảng 200.000 người đã thiệt mạng và khoảng 1,5 triệu người mất nhà cửa. Trận động đất 7 độ này chỉ kéo dài 55 giây, với tâm chấn ở độ sâu khoảng 13 km. Dù vậy, sự kiện này để lại hệ quả lâu dài là khiến khoảng 4.000 người bị thương tật vĩnh viễn./.