Hai thanh niên đi xe máy đánh vào đầu người đàn ông ngồi xe lăn đối diện hình phạt nào?

Nhiều tình huống pháp lý đặt ra quanh vụ hai thanh niên đi xe máy đánh vào đầu người đàn ông ngồi xe lăn.

Clip đang tải trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc vì hành vi của hai thanh niên.

Clip đang tải trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc vì hành vi của hai thanh niên.

Camera hành trình trên ô tô của một người dân ghi lại vụ việc xảy ra khoảng 16h ngày 16/2. Cụ thể, đoạn video dài hơn 20 giây, ghi lại toàn bộ cảnh một người đàn ông bị tật nguyền di chuyển bằng xe lăn trên đường Hồ Văn Nhánh, từ hướng quốc lộ 60 ra đường Ấp Bắc (TP.Mỹ Tho). Người đàn ông tật nguyền không hề đụng chạm với ai trên đường. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hai thanh niên chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, từ phía sau chạy tới đã dùng tay tát vào đầu người đàn ông này với thái độ đùa giỡn.

Sau đó, đoạn clip được tung lên mạng xã hội và khiến nhiều người bức xúc khi xem.

Theo báo Giao Thông, chiều 17/2, Công an TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cho biết đã nắm được thông tin vụ việc, đang phân công cán bộ CSGT xác minh, xử lý hai thanh niên đi xe máy đánh người đàn ông ngồi xe lăn.

Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội.

Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Góc nhìn pháp lý, Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội cho rằng, theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tội "Gây rối trật tự công cộng" xảy ra khi có hành vi gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng xấu đến xã hội.

"Trong tình huống này, hai thanh niên có hành vi tát vào đầu người đàn ông khuyết tật trên đường một cách vô cớ. Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, làm nhiều người bức xúc, gây hoang mang trong dư luận có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng". Tuy nhiên, nếu mức độ chưa nghiêm trọng, chỉ gây mất trật tự nhưng không đến mức vi phạm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng", khung hình phạt thấp nhất theo Khoản 1, Điều 318 BLHS 2015 là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu hành vi có tổ chức hoặc sử dụng vũ khí thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hai thanh niên có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 2 - 3 triệu đồng (Điểm b, Khoản 3, Điều 7)", luật sư Hà đánh giá.

Cũng theo luật sư Hà, hành vi điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm của hai thanh niên cũng có thể đối diện mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng theo Điểm h, i khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Đối với người điều khiển xe máy), Điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Đối với người được chở trên xe máy).

Vị luật sư cũng cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ: Hai thanh niên có bàn bạc, thống nhất từ trước hay không? Hành vi này có do một nhóm thanh thiếu niên tổ chức không?

Bởi, nếu xác định có người xúi giục hoặc hỗ trợ, những người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm theo Điều 17 BLHS 2015.

"Trong trường hợp này, nếu người đàn ông khuyết tật bị chấn thương, tổn thương về sức khỏe, cần giám định tỷ lệ thương tích để xem xét có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

Nếu tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên, hai thanh niên có thể bị truy cứu về tội "Cố ý gây thương tích". Nếu thương tích dưới 11%, hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 5 - 8 triệu đồng. Nếu hai thanh thiếu niên chưa đủ 18 tuổi, hình phạt sẽ được áp dụng theo nguyên tắc cho người chưa thành niên theo Chương XII BLHS 2015", luật sư Hà nêu quan điểm.

Ngoài ra, vị luật sư cho rằng, cha mẹ và gia đình phải có trách nhiệm giáo dục, giám sát con em mình. Nếu trẻ vi phạm pháp luật, gia đình có thể bị yêu cầu cam kết giáo dục, thậm chí có thể bị xử phạt hành chính nếu thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con cái.

Vụ việc này là lời cảnh tỉnh về hành vi thiếu ý thức và ứng xử của một số cá thể trong xã hội. Để tránh những hành vi tương tự, luật sư Hà nêu quan điểm, cần những giải pháp mang tính quyết liệt hơn như: Tăng cường giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên, nhất là qua gia đình, nhà trường và xã hội; Xử lý nghiêm minh để răn đe các hành vi xem thường pháp luật; Tăng cường giám sát cộng đồng, khuyến khích người dân tố giác hành vi sai trái để bảo vệ người yếu thế; Sự việc này cần được xử lý nhanh chóng để đảm bảo công bằng cho người bị hại và giữ vững trật tự xã hội.

Bảo Vy

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/hai-thanh-nien-di-xe-may-danh-vao-dau-nguoi-dan-ong-ngoi-xe-lan-doi-dien-hinh-phat-nao-10766.html
Zalo