Hải quân Mỹ không còn gì đối trọng với Zircon khi tên lửa siêu thanh HALO bị hủy bỏ
Dự án tên lửa siêu thanh HALO đầy triển vọng đã bị Hải quân Mỹ đình chỉ do gặp phải những khó khăn trong quá trình phát triển, quyết định trên gây ra nhiều tranh cãi.

Hải quân Mỹ (USN) mới đây đã tuyên bố hủy bỏ dự án nghiên cứu chế tạo tên lửa siêu thanh HALO (Hypersonic Air Launched Offensive) có thể tấn công đa dạng các mục tiêu từ trên bộ cho tới tàu mặt nước.

Tuyên bố này được đích thân Chuẩn Đô đốc Stephen Tedford - Giám đốc chương trình máy bay không người lái và vũ khí tấn công của Hải quân Mỹ đưa ra trong một cuộc họp báo.

Nguyên nhân dẫn tới quyết định trên chủ yếu là do hạn chế về tài chính bởi sau khi phân tích kỹ chi phí và hiệu quả của chương trình, giới chức hải quân đã quyết định từ bỏ dự án để tối ưu hóa ngân sách được phân bổ và tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên.

Động thái trên đã bị chỉ trích với lý do sẽ làm giảm khả năng tấn công của Hải quân Mỹ, đặc biệt khi tên lửa siêu thanh HALO được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng với 3M22 Zircon của Nga.

Quay lại quá khứ, dự án HALO được khởi động vào mùa xuân năm 2023 khi Bộ tư lệnh Hệ thống Không quân Hải quân (NAVAIR) trao hợp đồng trị giá 116 triệu USD cho hai tập đoàn Raytheon Missiles & Defense và Lockheed Martin để nghiên cứu phát triển vũ khí.

Tên lửa HALO được thiết kế cho tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet nhằm tấn công mục tiêu ở tầm xa, đồng thời giảm thiểu mối đe dọa từ hệ thống phòng không hạm tàu của kẻ địch.

Nhưng sau đó chương trình gặp trục trặc khi Hải quân Mỹ thông báo tên lửa HALO sẽ không đạt được tốc độ siêu thanh (trên Mach 5) mà chỉ đạt mức Mach 4+, không đáp ứng được định nghĩa nghiêm ngặt về vũ khí siêu vượt âm.

Theo kỳ vọng của USN, tên lửa HALO dự kiến sẽ vào biên chế chậm nhất là năm tài chính 2029 và đạt được khả năng tác chiến đầy đủ vào năm 2031, tuy vậy bản kế hoạch nói trên đã bị hủy bỏ.

Chuẩn Đô đốc Tedford nói thêm, nhiệm vụ mà tên lửa HALO dự kiến đảm trách đã được chuyển giao cho tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM do Lockheed Martin phát triển.

Tên lửa AGM-158C LRASM hiện đã được trang bị cho máy bay ném bom F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân và oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer của Không quân Mỹ, cung cấp khả năng tấn công tầm xa chính xác.

Bất chấp thực tế trên, việc đình chỉ dự án HALO vẫn bị chỉ trích, đó là làm chậm quá trình phát triển các công nghệ tiên tiến nhằm trang bị cho Hải quân Mỹ phương tiện tấn công chiếm ưu thế trước đối thủ.

Điều này còn đặc biệt nghiêm trọng khi phải đối mặt với áp lực lớn từ Nga và Trung Quốc, khi cả hai quốc gia đang tích cực phát triển vũ khí siêu thanh và đã thu về những kết quả đáng khích lệ.

Ấn phẩm Naval News cho biết thêm, quyết định hủy bỏ dự án tên lửa siêu thanh HALO được USN đưa ra sau khi phân tích cho thấy chi phí của vũ khí này vượt quá lợi ích mong đợi.

Nguồn tin từ Lầu Năm Góc tiết lộ giá thành tên lửa có thể vào khoảng 10 triệu USD, đây là gánh nặng lớn cho ngân sách, đặc biệt là khi chi phí cho các dự án quân sự khác ngày càng leo thang.

Bên cạnh đó trang Defense News nói thêm, HALO ban đầu được hình thành như một phần của dự án Tăng cường tác chiến tàu mặt nước 2 (OASuW Inc 2), nhằm chống lại những mối đe dọa ngày càng lớn mà USN phải đối mặt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng việc đình chỉ dự án tên lửa siêu thanh HALO sẽ làm suy yếu ưu thế của Hải quân Mỹ trước các đối thủ tiềm tàng, thậm chí còn dẫn tới tụt hậu xa.

Chuyên gia phân tích Brian Clark đến từ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) lưu ý, tên lửa LRASM tuy có nhiều tính năng ấn tượng nhưng lại kém xa về tốc độ và khả năng cơ động so với các hệ thống vũ khí siêu thanh đang được đối thủ phát triển.

Do vậy không thể loại trừ khả năng dự án HALO sẽ được nối lại trong tương lai gần khi ngân sách phân bổ lại, tương tự những gì diễn ra với chương trình Tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD), hiện đã phát triển thành chiếc F-47.