Hai quan điểm trái ngược về cuộc chiến ở Trung Đông

Ngày 7.10, thế giới đánh dấu một năm Hamas tiến hành cuộc tấn công vào Israel, cũng là ngày mở ra một năm chiến tranh tàn khốc. Nhà bình luận chính trị Jonathan Freedland của The Guardian cho rằng: nhìn lại một năm qua, có hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về những gì vừa xảy ra - cách thế giới nhìn nhận Israel và cách người Israel nhìn nhận chính mình. Mọi thứ có thể sẽ không tồi tệ đến thế nếu mỗi hình ảnh có thể được cảm nhận theo cách còn lại.

“Israel này” và “Israel kia”

Có một Israel mà thế giới đang nhìn thấy trên khắp các bản tin: kẻ xâm lược hùng mạnh, điên cuồng và tàn nhẫn, không hài lòng với “thành tích” phần lớn Gaza thành đống đổ nát, giờ đây đã tiếp tục đưa xe tăng của mình vào Lebanon - rõ ràng là không có lý do nào tốt hơn ngoài việc họ có thể làm như vậy. “Israel này” là quốc gia bị các tòa án thế giới lên án. Một đất nước bị cáo buộc về những tội ác tày đình nhất. Israel này - trong một năm qua - đã gây ra hàng triệu cuộc biểu tình quần chúng ở khắp các thành phố lớn của châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác, với một mức độ phẫn nộ và bất bình mà thế giới chưa từng chứng kiến trong hai thập kỷ. Một thế hệ chính trị hóa đã quyết định rằng phản đối Israel là vấn đề lớn của thời đại.

 Gia đình các nạn nhân thiệt mạng kỷ niệm 6 tháng ngày diễn ra vụ tấn công 7.10. Ảnh: Abir Sultan/EPA

Gia đình các nạn nhân thiệt mạng kỷ niệm 6 tháng ngày diễn ra vụ tấn công 7.10. Ảnh: Abir Sultan/EPA

Và rồi chúng ta có thể quên mất một Israel, trong lời kể của những người - từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ nhỏ - sống sót sau vụ thảm sát ngày 7.10.2023, kể về cách họ co cụm, đơn độc và tuyệt vọng trong phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ của trẻ em nhiều giờ đằng đẵng kinh hoàng khi những chiến binh Hamas bao vây nhà của họ, nã đạn và ném lựu đạn vào cửa, trước khi phóng hỏa từng ngôi nhà. “Israel này” vẫn sợ hãi, ám ảnh và tuyệt vọng khi những con tin là người thân của họ bị bắt giữ ngày hôm đó, hiện vẫn đang bị giam cầm ở Gaza. “Israel này” cũng là quốc gia nơi miền bắc bị Hezbollah bắn phá bằng tên lửa trong 12 tháng liên tiếp, buộc khoảng 65.000 thường dân Israel phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Đây là “hai Israel” - và hầu như không có điểm chung nào: một Israel mà phần lớn thế giới nhìn nhận và một Israel chỉ nhìn nhận chính mình.

Israel qua cuộc tấn công của Hamas

Đối với nhiều người bên ngoài Israel, ngày 7.10 sẽ đánh dấu một năm kể từ khi bắt đầu một cuộc chiến tàn khốc mà nạn nhân chính là những người vô tội ở Gaza, số người chết lên tới hàng chục nghìn. Bên trong Israel, ngày 7.10 là ngày kỷ niệm ngày thê thảm nhất trong lịch sử Do Thái kể từ cuộc diệt chủng Holocaust, khi gần 1.200 người, hầu hết là thường dân, đã bị thảm sát, nhiều người trong số họ bị hãm hiếp, tra tấn và thiêu sống.

Israel qua cuộc chiến Lebanon

Hoặc lấy hai tuần qua làm ví dụ. Đối với nhiều người bên ngoài Israel, cuộc đổ máu trong hai tuần qua ở Lebanon một lần nữa là bằng chứng xác nhận rằng Israel là quốc gia nguy hiểm nhất đối với Trung Đông, một thế lực hung hăng, bất chấp mọi khả năng có thể xảy ra với Iran, đã liên tiếp mở thêm các mặt trận ở Lebanon, sau khi ròng rã chiến đấu ở chiến trường Palestine với Hamas và tiến hành các cuộc tấn công lực lượng Houthis ở Yemen.

Nhưng với người Israel, hai tuần qua được nhìn nhận như thể: cuối cùng, đất nước của họ cũng phản công lại các lực lượng ủy nhiệm được coi là mối nguy hiểm thực sự đối với an ninh của Israel. Trong nhiều năm, Iran đã bao vây Israel bằng một “vành đai lửa” bao gồm ba H: Hamas ở Palestine, Houthis ở Yemen và Hezbollah ở Lebanon - lực lượng được trang bị tối tân nhất với kho vũ khí khổng lồ và sức mạnh của một nhà nước trong một nhà nước.

Israel qua vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah

Đối với nhiều người bên ngoài Israel, vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah mà Israel tiến hành tuần trước là một hành động leo thang liều lĩnh, chắc chắn sẽ đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh toàn diện và cũng chắc chắn sẽ gây ra tổn thất lớn về sinh mạng.

Đối với người Israel, đó là hành động tự vệ. Họ cuối cùng đã hạ gục chỉ huy của một đội quân nã tên lửa vào miền bắc Israel trong suốt một năm và khiến không một người Israel nào có thể trụ lại. Cuộc đấu súng bắt đầu từ ngày 8.10, chỉ một ngày sau khi Hamas tấn công Israel. Người Israel tự hỏi liệu quốc gia nào trên thế giới sẽ chịu để người dân sống trong sợ hãi như vậy? Quốc gia nào trên thế giới sẽ chấp nhận dung thứ cho vị chỉ huy ra lệnh cho các vụ tấn công?

Israel qua cuộc chiến Gaza

Hoặc nhìn vào cuộc chiến đã gây ra quá nhiều đau thương trong một năm qua, những gì thế giới nhìn thấy ở Gaza là một dải đất đáng thương mà Israel đã nghiền nát, bất chấp thảm họa đối với cuộc sống của dân thường.

Những gì người Israel nhìn thấy là kẻ thù tàn bạo của họ - lực lượng Hamas ở Palestine - đã để lộ dã tâm của họ ngày 7.10.2023 và ẩn náu bên trong các ngôi nhà, bên dưới những hầm ngầm ở Gaza, sử dụng toàn bộ dân thường làm lá chắn sống.

Dân tộc hùng mạnh hay yếu đuối?

Chúng ta có thể có một danh sách dài những sự kiện mà mỗi ví dụ đều phơi bày khoảng cách rộng và sâu như vực thẳm, về cách thế giới nhìn Israel và cách Israel nhìn nhận chính họ. Tất cả những điều này chỉ ra một sự thật sâu sắc hơn: Đối với hầu hết những người ngoài cuộc, Israel là một siêu cường khu vực, thậm chí một siêu cường toàn cầu. Đất nước này mạnh mẽ và đáng sợ. Nhưng đó không phải là cách Israel được nhìn nhận từ chính người dân của họ. Người Israel coi xã hội của họ là nhỏ bé - chỉ bằng kích thước của bang New Jersey - bị bao vây và dễ bị tổn thương.

Phần còn lại của thế giới có thể không tin vào những điều như vậy. Bởi bất kể nguồn gốc của Israel là gì, với một quốc gia được thành lập chỉ 3 năm sau khi giải phóng khỏi Đức quốc xã, Israel hiện là một trong những quốc gia được trang bị vũ khí tối tân nhất với cơ quan tình báo hiệu quả nhất, họ không có gì phải sợ.

Nhưng còn thảm họa ngày 7.10? Nếu ai còn chưa tin vào cách nhìn nhận này, có thể xem bộ phim “One Day in October” (Một ngày tháng 10), một bộ phim tài liệu tỉ mỉ nói về Be'eri - một cộng đồng của Israel đã mất một phần mười dân số (100 người) trong vụ thảm sát 7.10 - và người ta sẽ bắt đầu hiểu tại sao người Israel không cảm thấy mình là một gã khổng lồ bất khả chiến bại. Bộ phim là lời kể của một người đàn ông mô tả cảnh bị dồn vào góc phòng khi chứng kiến vợ mình và sau đó là cậu con trai bé bỏng của mình chết vì mất máu sau khi Hamas nã đạn vào nhà họ; Là lời kể của một cậu bé 9 tuổi nhớ lại đêm kinh hoàng khi cậu ngủ lại tại nhà một người bạn trước khi bị Hamas lôi đi làm con tin ở Gaza; Là lời kể của một cô gái nhớ lại cách cô ấy kêu cứu trong tuyệt vọng nhưng không một bóng dáng binh sĩ Israel nào xuất hiện trong khi những người bạn thân nhất của cô hấp hối.

Vào thời điểm đó, một số người phản đối việc sử dụng từ pogrom để mô tả ngày 7.10 bởi từ pogrom chỉ hành động thảm sát một nhóm người yếu thế. Với họ, Israel là một quốc gia có quân đội hùng mạnh; thật nực cười khi sử dụng một thuật ngữ từ thời mà người Do Thái còn là một nhóm thiểu số không có khả năng tự vệ. Nhưng họ đã bỏ qua một thực tế mà những người sống sót qua những thời khắc đó cảm nhận được: một Israel đáng thương, một Israel đầy sợ hãi; họ cũng nhỏ bé và bất lực y như tổ tiên của họ trước kia. Đó là lý do tại sao rất nhiều người coi ngày 7.10 không phải là một sự kiện của Israel mà là của người Do Thái.

Nhìn nhận bằng "con mắt" của phía bên kia

Có hai điều cần nói về sự khác biệt giữa cách thế giới nhìn nhận Israel và cách người Israel nhìn nhận chính họ. Thứ nhất là có một nhóm người hiểu được cả hai quan điểm và thấy mình bị kẹt ở giữa. Phần lớn họ là những người Do Thái lưu vong, những người nhìn nhận những gì Israel đang làm theo cách thế giới nhìn nhận và cũng hiểu những gì Israel đang làm theo cách người Israel hiểu, nhờ mối quan hệ với họ hàng, gia đình, bạn bè ở Israel.

Thứ hai là nếu có bất kỳ tia hy vọng nào có thể chấm dứt chuỗi đau khổ khủng khiếp kéo dài này, thì đó là việc người đứng ở hai đầu của hai quan điểm, dù chỉ trong một khoảnh khắc, hãy đánh giá hành động của Israel bằng cách nhìn của người kia. Người Israel cần phải suy nghĩ kỹ về tác động mà những hành động của họ gây ra, vốn rõ ràng là chính đáng trong mắt họ, sẽ như thế nào với những dân tộc khác. Và phần còn lại của thế giới liệu có thể một lần nào đó, đặt mình vào vị trí của người Israel, để tưởng tượng xem họ sẽ như thế nào khi bị bao quanh bởi những kẻ thù luôn muốn xóa sổ họ, và cố gắng hết sức để biến mục tiêu đó thành hiện thực.

Quốc Đạt (Theo The Guardian)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hai-quan-diem-trai-nguoc-ve-cuoc-chien-o-trung-dong-post392468.html
Zalo