Hai phương án đầu tư tuyến đường trên cao dọc quốc lộ 51
Trong lần thứ 3 đề xuất phương án đầu tư Dự án Tuyến đường trên cao dọc quốc lộ 51, nhà đầu tư đã đưa ra 2 phương án đầu tư dự án này.

Việc đầu tư xây dựng đường trên cao dọc quốc lộ 51 nhằm mục tiêu khơi thông điểm nghẽn trên tuyến giao thông đường bộ huyết mạch của khu vực. Ảnh: P.Tùng
Việc đầu tư xây dựng đường trên cao dọc quốc lộ 51 nhằm mục tiêu khơi thông điểm nghẽn trên tuyến giao thông đường bộ huyết mạch của khu vực, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Kết nối từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11
Theo nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Tuyến đường trên cao dọc quốc lộ 51 (từ nút giao ngã tư Vũng Tàu đến nút giao Cổng 11) bao gồm cả hạng mục đầu tư 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11, được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Lê Quốc Bình cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến từ các cơ quan chức năng của tỉnh, đơn vị đã hoàn chỉnh phương án đầu tư Dự án Tuyến đường trên cao dọc quốc lộ 51. Trong đó với nút giao ngã tư Vũng Tàu, đơn vị kiến nghị lựa chọn phương án nút giao bóng đèn để đầu tư xây dựng nhằm phù hợp với điều kiện mặt bằng khu vực và đáp ứng tốt nhu cầu giao thông tại nút.
Với nút giao Cổng 11, đề xuất trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng 2 cầu vượt trực thông kết hợp đảo xuyến dưới cầu để ưu tiên xây dựng và quy hoạch mặt bằng nút theo quy mô hoàn thiện (giai đoạn 2) để phát triển mở rộng nút giao sau này thành nút giao theo dạng hoa thị hoàn chỉnh.
Đối với 2 phương án kết nối trực tiếp tuyến đường trên cao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhà đầu tư kiến nghị lựa chọn phương án 2 để hạn chế giải phóng mặt bằng.
Riêng với hạng mục đường trên cao dọc tuyến quốc lộ 51 từ nút giao ngã tư Vũng Tàu đến nút giao Cổng 11, nhà đầu tư kiến nghị phương án xây dựng cầu cạn trên đường hiện hữu. Theo nhà đầu tư, đây là phương án tối ưu, hạn chế giải phóng mặt bằng, thuận tiện cho công tác triển khai dự án.
“Với phương án này, sẽ giữ nguyên bề rộng quốc lộ 51 hiện nay; đồng thời, xây dựng cầu cạn cho tuyến đường trên cao với quy mô 6 làn xe. Như vậy, kết hợp với 8 làn xe đường dưới thấp, quốc lộ 51 qua đoạn tuyến này sẽ có tổng cộng 14 làn xe” - ông Bình cho hay.
Kéo dài đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Cùng với phương án xây dựng tuyến đường trên cao từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11, nhà đầu tư cũng đưa ra phương án kéo dài tuyến đường này kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Với phương án kéo dài tuyến đường trên cao kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhà đầu tư cũng đưa ra 2 phương án kết nối không trực tiếp và kết nối trực tiếp với tuyến đường cao tốc này.
Cụ thể, với phương án kết nối không trực tiếp, sẽ giữ nguyên phương án nút giao trumpet (loa kèn) đã được duyệt của Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến đường trên cao sau khi vượt qua nút giao Cổng 11 sẽ tiếp đất và nối tiếp vào đường Võ Nguyên Giáp để kết nối với nút giao giữa đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường Võ Nguyên Giáp. Với phương án này, sẽ không xây dựng các nhánh rẽ trực tiếp nối vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Các phương tiện lưu thông trên tuyến đường trên cao đến vị trí tiếp đất trên đường Võ Nguyên Giáp sẽ lưu thông vào lõi giữa của tuyến đường này để tiếp cận theo các nhánh hiện hữu. Riêng xe gắn máy sẽ lưu thông trên 2 đường song hành của đường Võ Nguyên Giáp.
Theo nhà đầu tư, ưu điểm của phương án này là không phải thực hiện thêm giải phóng mặt bằng; đồng thời, không phải điều chỉnh thiết kế nút giao giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là không kết nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong khi với phương án kết nối trực tiếp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhà đầu tư tiếp tục đưa ra 2 phương án thực hiện. Phương án 1, sẽ giữ nguyên phương án nút giao trumpet đã được duyệt của Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến đường trên cao sau khi vượt qua nút giao Cổng 11 sẽ tách ra 2 nhánh để kết nối trực tiếp vào nút giao giữa đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường Võ Nguyên Giáp, trong đó có một nhánh đi lên tầng 3 để hạn chế giải phóng mặt bằng. Với phương án này sẽ xây dựng nhánh cầu rẽ trái đi bám theo nút giao trumpet kết nối trực tiếp vào đường trên cao. Nhánh cầu rẽ trái sau khi vượt qua đường Võ Nguyên Giáp sẽ tách thành 2 nhánh, một nhánh hạ cao độ kết nối vào đường Võ Nguyên Giáp và một nhánh tiếp tục đi cao kết nối trực tiếp vào đường trên cao. Phương án này có ưu điểm là kết nối trực tiếp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ít ảnh hưởng đến phương án nút giao hiện tại. Tuy nhiên, sẽ phải bổ sung giải phóng mặt bằng để xây dựng nhánh cầu bám theo nút giao trumpet hiện nay.
Phương án 2 cũng tương tự như phương án 1, nhưng thay vì xây dựng nhánh cầu rẽ trái đi bám theo nút giao trumpet kết nối trực tiếp vào đường trên cao, sẽ xây dựng bổ sung một nhánh cầu vượt tầng 3 rẽ trái trực tiếp kết nối vào đường trên cao. Khi đó, nút giao sẽ có 2 nhánh rẽ trái trực tiếp, một nhánh nút giao trumpet như thiết kế hiện hữu kết nối vào đường Võ Nguyên Giáp dưới đất và một nhánh cầu vượt tầng 3 (vượt đường Võ Nguyên Giáp và cầu vượt nút giao trumpet hiện hữu) kết nối trực tiếp vào đường trên cao. Với phương án này, ưu điểm là kết nối trực tiếp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Mặt khác, do nhánh cầu vượt tầng 3 nằm trong phạm vi nút giao trumpet đã thiết kế nên không phát sinh giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do phải điều chỉnh thiết kế nút giao giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang thi công nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung hoàn thành dự án.
Tại buổi làm việc với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu kỹ phương án 2 nhằm hoàn thiện kết nối hệ thống giao thông tại khu vực này.