Hải Phòng 'Trung dũng – Quyết thắng' suốt chặng đường lịch sử

Cách đây 70 năm, vào ngày 13/5/1955, người Hải Phòng tưng bừng trong rừng cờ hoa, đón đoàn quân cách mạng về tiếp quản thành phố. Dấu ấn ấy có ý nghĩa đặc biệt, bởi đất Cảng là nơi khởi lửa đầu tiên, cũng là điểm dừng chân cuối cùng của những kẻ xâm lược ở miền Bắc.

Trung dũng nơi tiền đồn Tổ quốc

Từ thủa bà Lê Chân dựng cờ khởi nghĩa hai nghìn năm về trước, Hải Phòng đã nổi danh với khí phách kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió, là tiền đồn canh giữ cửa biển thiêng liêng của Tổ quốc. Khí phách ấy càng được khẳng định bằng 3 chiến thắng vang dội trên Bạch Đằng Giang, đã đặt nền móng cho độc lập, tự chủ, là những bản hùng ca bất hủ, reo vang suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Đô thị Hải Phòng những ngày tháng 5 lịch sử. Ảnh: Nguyễn Hồng Phong

Đô thị Hải Phòng những ngày tháng 5 lịch sử. Ảnh: Nguyễn Hồng Phong

Ngày 2/9/1945, dưới lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ Tịch đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng giặc Pháp âm mưu cướp nước ta một lần nữa, thêm một lần dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước xiềng gông nô lệ, vùng lên “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong thời khắc sang trang của lịch sử ấy, trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), quân và dân Hải Phòng đã tiên phong thử lửa với kẻ thù, khi giặc Pháp nổ những phát súng đầu tiên trong cuộc chiến tái chiếm miền Bắc tại Hải Phòng. Trong hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết: “Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự của cả nước…”.

9 năm kháng chiến trường kỳ là những trang sử vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, và quân dân Hải Phòng vẫn giữ vai trò khởi đầu cho giai đoạn phản công vệ quốc, với chiến thắng “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”, “đường 5 quật khởi”… góp công làm lên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, khi các địa phương khác ở miền Bắc đã được hưởng tự do, thì Hải Phòng tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường, trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Đúng ngày 13/5/1955, những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc tại Bến Nghiêng (Hải Phòng), cũng là lúc dưới ánh hào quang rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, các đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản, Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày giải phóng Hải Phòng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Sau ngày lịch sử ấy, Hải Phòng đã khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với vị thế thành phố cảng đầu mối giao thương quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc. Nhưng trong niềm hân hoan của tự do, lòng người Hải Phòng vẫn quặn đau trước nỗi niềm chia cắt hai miền Nam – Bắc. Các phong trào thi đua, với “sóng Duyên Hải”, “Tổ đá nhỏ ca A nhà máy xi măng”… cùng những “chuyến tàu không số” đã tiếp sức cho tuyến lửa. Cảng Hải Phòng với vai trò đầu mối tiếp nhận hậu cần phục vụ kháng chiến đã trở thành tâm điểm của 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và phong tỏa bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ, người Hải Phòng vẫn kiên cường vừa bảo vệ vững chắc hậu phương, vừa chi viện “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”, cho đến thống nhất toàn vẹn non sông.

Xứng danh Thành phố anh hùng

Bước ra từ khói lửa chiến thanh, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua. Nhiều mô hình phát nguồn từ Hải Phòng đã lan tỏa ra cả nước, như phong trào “dân vận khéo”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… và điển hình là phong trào khoán mới trong nông nghiệp. Sinh thời, trong một chuyến công tác tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực tiễn Hải Phòng đã góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta”.

Cảng Hải Phòng tiếp tục thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn.

Cảng Hải Phòng tiếp tục thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn.

Những năm đầu công cuộc đổi mới của Đảng, Hải Phòng đã cùng cả nước vững chãi vượt qua sóng gió, mở ra thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trên tiến trình CNH-HĐH. Các công trình hạ tầng trọng điểm đã tạo động lực thúc đẩy cho kinh tế thành phố, các khu công nghiệp Nomura, Tràng Duệ, VSIP, Đình Vũ-Cát Hải… đã trở thành tiêu biểu, đưa Hải Phòng vào nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Các dự án tiêu biểu như nhà máy sản xuất lốp ô tô Bridgestone, tổ hợp công nghệ LG, tổ hợp công nghệ Vinfast… đã khẳng định hướng đi đúng của chủ trương “Phục hồi kinh tế - Đổi mới mô hình tăng trưởng”, theo hướng đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, lấy kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, thắt chặt thiết chế văn hóa, ổn định quốc phòng an ninh, minh chứng rõ nét khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đây cũng là giai đoạn thành phố phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng giao thông, với hàng loạt công trình lớn như cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cùng với hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện và nhiều cây cầu nối Hải Phòng với các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ… đã góp phần đưa Hải Phòng bứt phá, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, đã được Bộ Chính trị khẳng định tại Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng. Hiện, quy mô thu ngân sách của Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước với hơn 100 nghìn tỷ đồng/năm (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Hải Phòng cũng lập kỷ lục là địa phương duy nhất trong cả nước 10 năm liên tiếp đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số. Đến nay, Hải Phòng không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Đặc biệt theo kết quả mới được công bố, năm 2024 Hải Phòng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng cả 3 chỉ số uy tín về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chỉ số PCI; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, đó là minh chứng thuyết phục cho thành công của Hải Phòng nhiều năm qua trong tăng trưởng kinh tế, phản ánh nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nổi bật là đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Hải Phòng đạt được những kết quả mà nhiều địa phương khác chưa thể làm được. Sự phát triển mạnh mẽ của thành phố là nhờ Đảng bộ, chính quyền thành phố đã biết khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy tiềm năng, chí khí, bản lĩnh, kiên trì, thông minh và táo bạo - những phẩm chất trở thành cốt cách của người Hải Phòng”.

Nhìn lại chặng đường 70 năm, Hải Phòng đã thay đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước. Với kết quả ấy, ngày 28/4/2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký Quyết định số 766/QĐ-CTN, phong tặng Danh hiệu “Thành phố anh hùng” đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng. Những ngày này, không gian Hải Phòng rực rỡ cờ hoa, người Hải Phòng hân hoan chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng lịch sử bằng lễ hội bừng cháy màu Hoa Phượng Đỏ và tưng bừng chuẩn bị đón nhận danh hiệu “Thành phố anh hùng”, với tất cả niềm tự hào và khát vọng vươn lên.

Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng niềm tin “Trung dũng – Quyết thắng” của người Hải Phòng không bao giờ thay đổi. “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”, lời bài hát vút lên từ màu Hoa Phượng Đỏ, là biểu tượng truyền thống vẻ vang của thành phố. Đó cũng chính là nền tảng để Hải Phòng vững bước trên đường phát triển và hội nhập, tiếp tục xứng danh với vị thế “Thành phố anh hùng” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận.

V.Huy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/hai-phong-trung-dung--quyet-thang-suot-chang-duong-lich-su-i767992/
Zalo