Hải Phòng tận dụng lợi thế về cảng biển để vươn lên
Hải Phòng đã và đang tận dụng lợi thế về cảng biển để vươn lên, làm giàu từ biển.
Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Hải Phòng trong 3 quý năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Là địa phương duy nhất ở miền Bắc hội tụ 5 phương thức vận tải (đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không) cùng hệ thống cảng biển lớn, Hải Phòng đã và đang có nhiều thỏa thuận hợp tác, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế biển toàn cầu.
Thực tế cho thấy, Hải Phòng đã và đang tận dụng lợi thế về cảng biển để vươn lên, làm giàu từ biển. Theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Bùi Nguyên Khôi, 9 tháng năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển ước đạt 78,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Bùi Nguyên Khôi cho biết, năm 2024 phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng là 107 triệu tấn; số lượng tàu, thuyền thông qua 16.950 lượt; thu phí cảng vụ đạt 170 tỷ đồng; lệ phí ra, vào cảng đạt 13,5 tỷ đồng; phí bảo đảm hàng hải đạt 472 tỷ đồng và tai nạn hàng hải giảm trên cả 3 tiêu chí…
Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa, việc các cảng biển Hải Phòng vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy hiệu quả từ sự năng động, nâng cao hiệu quả trong khai thác, điều hành sản xuất và chất lượng cung cấp dịch vụ của toàn ngành kinh tế cảng Hải Phòng.
Để đạt được những thành công đó thì việc thu hút và ký kết hợp tác với các tập đoàn kinh tế biển toàn cầu được Hải Phòng chú trọng.
Đơn cử, vào ngày 1/7/2024, Cảng Hải Phòng đã ký kết thành lập liên doanh khai thác cảng với Công ty Terminal Investment Limited (TIL), công ty con chuyên về khai thác và đầu tư cảng container của MSC. Theo thỏa thuận liên doanh này sẽ khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Hiện tại, phần lớn các dự án cảng đã và đang xây dựng tại khu vực Lạch Huyện (Hải Phòng) đều có sự tham gia hợp tác của các tập đoàn kinh tế biển quốc tế.
Các bến cảng số 1, 2 (TC - HICT) Hải Phòng, là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các nhà đầu tư như Công ty Trách nhiệm hữu hạn MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản, Công ty Wan Hai Lines Đài Loan (Trung Quốc) và Tập đoàn Itochu Nhật Bản.
Những liên doanh này vẫn đang hoạt động hiệu quả, tiếp nhận 15 tuyến dịch vụ thường xuyên mỗi tuần; trong đó có 7 tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương đi trực tiếp đến Mỹ, 3 tuyến dịch vụ Ấn Độ và các tuyến dịch vụ Nội Á khác.
Tiếp đến, dự án bến cảng số 5, 6 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng tại Lạch Huyện do Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco phát triển, hợp tác cùng tập đoàn khai thác cảng biển lớn của thế giới là APM Terminals. Với quy mô có thể tiếp nhận tàu container 18.000 TEU đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào cuối năm 2023, đoàn công tác của Hải Phòng đã có buổi làm việc và trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác tác giữa Hải Phòng với hàng loạt đối tác hàng đầu của Mỹ về hoạt động khai thác cảng toàn cầu như, cảng Los Angeles, cảng New York và New Jersey ( Hoa Kỳ), tập đoàn Energy Capital…
Theo đó, các đối tác phía Hoa Kỳ sẽ sớm đồng hành cũng Hải Phòng nghiên cứu, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, cảng tổng hợp nam Đồ Sơn, Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, hệ thống đường sắt và kho vận, logistics…
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho biết, cho rằng nhu cầu xuất nhập khẩu trong quý III/2024 vẫn khả quan, nhưng quý IV/2024 sẽ giảm tốc do không còn mức nền thấp và nhu cầu tăng cao đã được đáp ứng trong quý II và quý III năm nay.
Tình trạng nghẽn cảng cũng đã giảm bớt do các hãng tàu đã bổ sung tuyến dịch vụ. Sau 2025 tình trạng cạnh tranh tại 3 cụm cảng lớn sẽ tăng cao khi công suất tăng, như tại Hải Phòng miền Bắc (cảng Lạch Huyện 3-4, 5-6).
VCBS cho biết, tại khu vực Hải Phòng, đến 2025-2026 dự kiến nguồn cung tăng mạnh (tăng 34% so với công suất hiện tại) gồm tại cụm cảng nước sâu Lạch Huyện như Lạch Huyện 3-4 của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (1,1 triệu TEU), Lạch Huyện 5-6 của Hateco (1 triệu TEU giai đoạn 1), đến 2026 có Nam Đình Vũ giai đoạn 3 của Công ty cổ phần Gemadept tăng thêm 650.000 TEU. Các cảng nằm phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn và nhất là các cảng không có hợp tác với các hãng tàu.
Giới phân tích đánh giá, cảng biển Hải Phòng có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc. Nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại. Hệ thống hạ tầng logistics có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.
Hải Phòng tập trung phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, theo chiều sâu là chủ đạo để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; có các cơ chế, chính sách có tính đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước…; phấn đấu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm.
Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn.
Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới…
Hải Phòng đã đề ra 6 nhóm, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tập trung vào nâng cao hiệu quả việc quản lý nhà nước; phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; phát triển dịch vụ phục vụ cảng biển và dịch vụ logistics; tạo lập nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Hải Phòng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ hiện đại…
Hải Phòng cũng xác định rõ kinh tế biển là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm nhận vai trò đầu tàu lôi kéo sự phát triển của các địa phương trong vùng.