Hải Phòng sẽ đóng góp gần 11.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

HĐND TP Hải Phòng đã thông qua chủ trương đóng góp kinh phí từ nguồn ngân sách TP để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

HĐND TP Hải Phòng đã thông qua chủ trương đóng góp kinh phí từ nguồn ngân sách TP để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bảo đảm khả năng cân đối ngân sách

Mới đây, tại kỳ họp HĐND TP Hải Phòng lần thứ 23, Hải Phòng đã thông qua chủ trương đóng góp kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố (TP) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây chủ trương quan trọng, thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của TP với Trung ương, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện, khu kinh tế phía Nam và cảng nước sâu Nam Đồ Sơn.

Theo UBND TP Hải Phòng, TP sẽ đóng góp 10.960 tỷ đồng cho dự án đường sắt này. Trong đó, có khoảng 5.860 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn TP, bao gồm tuyến chính và các tuyến nhánh (nhánh Nam Đình Vũ - Đình Vũ; nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn) và 5.100 tỷ đồng thực hiện đầu tư xây dựng tuyến nhánh đường sắt từ ga Nam Hải Phòng đi ga Nam Đồ Sơn với chiều dài khoảng 12 km và ga Nam Đồ Sơn.

Theo tính toán, tổng nguồn vốn đầu tư còn lại, TP có thể xem xét, thực hiện các dự án đầu tư công mới trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 100.893 tỷ đồng. Do đó, việc TP cân đối hơn 10.960 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng tuyến chính, các tuyến nhánh đi qua địa bàn TP và xây dựng tuyến nhánh đường sắt từ ga Nam Hải Phòng đến ga Nam Đồ Sơn thuộc dự án là bảo đảm khả năng cân đối ngân sách TP.

Cũng theo UBND TP, việc triển khai Dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của TP nói riêng và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội nói chung, góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững đúng như mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Cùng với việc đầu tư phát triển mạnh mẽ cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, dự án đường sắt này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai.

Hơn nữa, bên cạnh hệ thống các cảng đường thủy nội địa và đường hàng không, phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây “Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” là vô cùng cần thiết cho thời kỳ đến 2030 và tầm nhìn 2050. Thúc đẩy phát triển chiến lược “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam và “Vành đai con đường” của Trung Quốc, thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - Châu Âu.

Mặt khác, đây là phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phù hợp với định hướng chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 và UBND TP ban hành tại Quyết định 3962/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải.

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ kết nối khu vực cảng biển Hải Phòng

Đảm bảo mục tiêu Chính phủ giao

Chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế vào sáng 21/2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này. Dự báo, GRDP của Hải Phòng trong quý I/2025 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước.

Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của TP Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, TP đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trong kiến nghị để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, TP Hải Phòng cho biết, địa phương cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng. TP kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến, từ Lào Cai và từ Hải Phòng để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.

Về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện nay TP Hải Phòng có hai bến cảng đang hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, TP sẽ khánh thành thêm 4 bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển các bến tiếp theo, cụ thể là bến số 7 và bến số 8. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất.

“Để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, TP Hải Phòng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics và thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng", Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) thuộc địa phận TP Lào Cai, điểm cuối tại bến Lạch Huyện thuộc địa phận TP Hải Phòng. Tổng chiều dài đầu tư khoảng hơn 403 km gồm tuyến chính dài hơn 388 km và 2 tuyến nhánh dài 15 km (không bao gồm tuyến nhánh đi Nam Đồ Sơn dài 12 km). Đoạn đi qua địa bàn Hải Phòng có chiều dài tuyến chính là 46,18 km và 2 tuyến nhánh dài 20,57 km (từ ga Nam Hải Phòng - ga Nam Đồ Sơn và từ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Nam Đình Vũ - ga Đình Vũ), tốc độ thiết kế đoạn tuyến chính 160 km/giờ, tuyến nhánh 80 km/giờ.

Trên đoạn tuyến qua TP Hải Phòng có 4 nhà ga: ga Nam Hải Phòng có diện tích lớn nhất khoảng 51 ha; ga cảng Lạch Huyện có diện tích khoảng 22 ha; ga Đình Vũ diện tích khoảng 5,6 ha; ga Nam Đồ Sơn diện tích khoảng 10,5 ha. Ngoài ra, trên đoạn tuyến Hải Phòng còn có 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật là Trạm tác nghiệp kỹ thuật Tân Viên trên địa bàn xã Quốc Tuấn (huyện An Lão) diện tích khoảng 6,8 ha, Trạm tác nghiệp kỹ thuật Đình Vũ trên địa bàn phường Đông Hải (quận Hải An) diện tích khoảng 6,2 ha (ga trên cao).

Nguyên An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hai-phong-se-dong-gop-gan-11000-ty-dong-de-xay-dung-tuyen-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-post540663.html
Zalo