Hải Phòng, Quảng Ninh đã thoát cảnh trắng sóng di động sau bão Yagi
Trong bão Yagi, nhiều nơi tại Hải Phòng, Quảng Ninh bị mất sóng di động do cây đổ, mất điện lưới. Nhờ nỗ lực của chính quyền và các nhà mạng, sóng di động đã trở lại với phần lớn người dân.
Suốt một tuần qua, bão số 3 (tên quốc tế Yagi) và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại lớn tới hạ tầng viễn thông di động tại nhiều địa phương.
Tình trạng mất điện kéo dài, cùng với việc hàng loạt cột điện, cây xanh đổ gục, kéo theo hạ tầng cáp treo đã khiến mạng lưới viễn thông của các nhà mạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Cục Viễn thông, ở thời điểm khó khăn nhất, có nhà mạng bị mất tới hơn 50% mạng lưới.
Tuy vậy, với sự chỉ đạo điều hành của Bộ TT&TT, Sở TT&TT các địa phương, cùng với những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ kỹ thuật các nhà mạng, mạng lưới viễn thông các tỉnh, thành phố đã gần như khôi phục trở lại, thậm chí ở cả những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo ước tính của Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính, truyền hình cáp trên địa bàn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, các doanh nghiệp truyền hình cáp thiệt hại khoảng 9,5 tỷ đồng, doanh nghiệp bưu chính thiệt hại 3 tỷ đồng.
Riêng với lĩnh vực viễn thông, các nhà mạng đang tập trung khắc phục nên vẫn chưa thể thống kê chính xác mức độ thiệt hại về vật chất.
Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản mạng lưới viễn thông trên địa bàn Quảng Ninh đã thông suốt trở lại.
Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho hay, trong khoảng thời gian siêu bão Yagi đổ bộ, toàn bộ mạng lưới viễn thông của tỉnh Quảng Ninh gần như tê liệt, chỉ duy trì được một phần mạng lưới của nhà mạng VNPT VinaPhone, sau đó mới khắc phục dần.
Với sức gió giật cấp 17 của bão Yagi, những thiệt hại về mạng lưới viễn thông không phải điều bất thường. Tuy nhiên, từ thực tế đã xảy ra, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần xem lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật ở lĩnh vực viễn thông để đáp ứng được những tình huống thiên tai, thảm họa trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp.
Sở TT&TT Quảng Ninh cũng đề xuất cần xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong các tình huống đặc biệt, khẩn cấp.
“Khi bão đổ bộ, các hạ tầng, phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông bị ảnh hưởng nặng nề. Trong những tình huống đó, cần có kế hoạch về phương án truyền thông như sử dụng thiết bị gì? Đâu là những thiết bị thay thế khi việc truyền dẫn phát sóng bị ảnh hưởng, các cụm loa phát thanh bị tê liệt?”, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh đặt vấn đề.
Tại Quảng Ninh và nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng của bão lũ, đang xuất hiện tình trạng tin giả, tin thất thiệt, fanpage giả mạo để lừa đảo kêu gọi ủng hộ. Sở TT&TT Quảng Ninh mong muốn Bộ TT&TT vào cuộc cùng với các tỉnh để ngăn chặn tình trạng này.
Với Hải Phòng, một trong hai địa phương bão Yagi đổ bộ trực tiếp, hiện vẫn chưa ước tính được thiệt hại do mưa bão gây ra với hạ tầng mạng lưới viễn thông. Tuy vậy, số liệu ban đầu cho thấy, siêu bão đã làm gãy đổ 48 trạm phát sóng di động. Hai huyện đảo Cát Hải (nơi có đảo Cát Bà) và Bạch Long Vĩ là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Theo ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng, trong bối cảnh siêu bão đổ bộ gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng viễn thông, việc liên lạc chỉ đạo, điều hành giữa huyện đảo Bạch Long Vĩ với thành phố Hải Phòng vẫn có thể thực hiện thông qua điện thoại vệ tinh.
Với đảo Cát Bà, tuyến cáp quang nối giữa đất liền và đảo bị trùng xuống biển, do đó phải cắt bỏ để phục vụ cho tàu vào. Ngày 9/9, Sở TT&TT Hải Phòng đã phối hợp với Viettel và VNPT khắc phục xong tuyến cáp quang nối ra đảo bằng cách sử dụng hệ thống cáp treo phục vụ du lịch.
Đến nay, việc liên lạc với 2 huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ đã trở lại bình thường. Trên 90% mạng lưới của 3 nhà mạng viễn thông di động cũng đã thông suốt. Các doanh nghiệp viễn thông đang tiếp tục khắc phục những thiệt hại do mưa bão gây ra với hạ tầng mạng lưới viễn thông.
Rút kinh nghiệm từ việc ứng phó với siêu bão Yagi, Sở TT&TT Hải Phòng đề xuất phương án dùng điện thoại vệ tinh cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố.
Sở TT&TT Hải Phòng cũng mong muốn các trung tâm huyện, xã sau này sẽ có trạm BTS kiên cố dùng chung giữa các nhà mạng để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong tình huống khẩn cấp.