Hải Phòng: Làng cây cảnh Đặng Cương 'buồn thiu' dù cận Tết
Ảnh hưởng của bão Yagi, nên sản lượng cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán của bà con làng hoa phường An Hải, quận An Dương, Hải Phòng giảm khoảng 70%.
Nỗi buồn mang tên "Yagi"
Làng hoa Đặng Cương, An Dương (nay thuộc phường An Hải, quận An Dương, TP Hải Phòng) nổi tiếng với đào và quất cảnh.
Đây là thủ phủ cây cảnh phục vụ do người dân trong và ngoài TP Hải Phòng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Mọi năm, ngoài mùng 10 tháng Chạp, khắp các ngả đường dẫn ra cánh đồng đào, quất đông vui, nhộn nhịp tiếng cười nói, chào mời, chỉ dẫn khách thăm của chủ, thợ làm cây cảnh.
Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi (đầu tháng 9/2024), làng cây cảnh Đặng Cương bị thiệt hại nặng. Gió quật, nước dâng ngập úng khiến 70% đào, quất của bà con nông dân bị bật gốc, chết cây.
Đã qua Rằm tháng Chạp, nhưng theo ghi nhận của PV, lượng khách đến vườn thăm và mua đào cũng giảm hẳn so với những năm trước.
Ông Phạm Văn Phất (SN 1965), chủ vườn đào Đồng Giới (phường An Hải, quận An Dương) chia sẻ, ông là người đầu tiên trong làng đưa giống đào đá về Đặng Cương trồng. Đến nay, kinh nghiệm hơn 30 năm trồng đào nhưng chưa bao giờ gia đình ông Phất thiệt hại lớn như năm nay. 300 gốc đào của ông chỉ còn lại 70 gốc do ảnh hưởng từ bão Yagi.
Sở dĩ năm nay ít khách thăm vì lượng khách quen của vườn lớn, hơn nữa sản lượng đào giảm nên gia đình ưu tiên hơn cho các cơ quan, đơn vị.
Dù số gốc cây không còn nhiều nhưng theo ông Phất, chất lượng vẫn đảm bảo. Giá thành tuy có lên so với năm trước khoảng 20-30% nhưng khách mua đồng tình chia sẻ, vì so với thiệt hại của người trồng không thấm vào đâu.
Vườn đào của gia đình ông Phất giá từ 7 triệu- 30 triệu/1 cây, tùy dáng, tùy cây.
Để bù lấp số đào đã chết, ngay khi bão tan, ông Phất đã lên Mộc Châu, Điện Biên mua thêm gốc đào về trồng thay thế. Tiền đầu tư cho vườn đào mới của gia đình ông Phất rất lớn.
Vừa xúc đất để trồng đào, ông Nguyễn Văn Đô (SN 1974, quê Tiên Lãng, Hải Phòng) chia sẻ, đã 5 năm ông làm công cho gia đình ông Phất nhưng chưa năm nào thấy buồn như năm nay.
Dù thu nhập từ việc bán cây cảnh giảm nhiều, nhưng tiền công thợ ông Phất vẫn trả đủ. Vì thế, không chỉ đánh đào đến nhà trồng cho khách, lúc rảnh ông Đô lại bồi đất, trồng và tưới nước, chăm sóc đào mới.
Ông Nguyễn Văn Mí (SN 1956, đường Cát Cụt, phường An Biên, quận Lê Chân) là khách quen mua đào nhà ông Phất nhiều năm liền.
Theo thói quen, cứ ngoài 15 tháng chạp là ông về vườn chọn cây. Năm nay, biết tình hình ảnh hưởng của bão, ngày 12 ông đã đi tìm đào để mua về chơi Tết. Vì khách quen và thăm mua sớm, nên ông Mí phấn khởi vẫn chọn được đào đẹp đón Xuân sang.
Nỗ lực "viết tiếp" thương hiệu làng hoa truyền thống
Ông Lê Đình Thắng (SN 1974, làng hoa Đồng Giới) có khoảng 3000m2 trồng đào. Nếu như năm trước ông có khoảng 500 gốc đào phục vụ người dân chơi Tết, thì năm nay cả vườn sót lại được 70 cây.
Gia đình ông Thắng thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng do bão Yagi.
Khách quen đặt cây đến nay đã khoảng 80%, vì thế, thời gian này ông Thắng tập trung đánh cây cho khách và chăm những gốc đào mới mua về.
Vì ảnh hưởng nặng của bão nên ông Thắng đã đi mua thêm 50 gốc đào từ miền núi về trồng. Số tiền đầu tư mua đào mới thay thế phải vay ngân hàng.
Tay thoăn thoắt chăm đào, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1963, tổ dân phố Dân Hạnh, phường An Hải) kể, những năm trước số lượng đào bán Tết lớn, người dân làm thuê cũng nhiều việc hơn và thu nhập tốt hơn. Nhưng năm nay thụt giảm nhiều thứ, chỉ có dịp cận Tết như này bà con làm đào thuê mới có việc.
Vườn đào cảnh Dân Chiến nổi tiếng ở phường An Hải, nhưng năm nay cũng chỉ còn 1/3 số cây cung cấp cho thị trường. Khoảng đất trống của những cây cảnh bị ảnh hưởng do bão nay đã được thay thế bởi những gốc đào mới. Người trồng đào hy vọng mùa Xuân đào sẽ sinh trưởng tốt để mang lại thu nhập ổn định vào Tết năm sau.
Cũng như đào, số lượng quất cảnh giảm đáng kể.
Làng cây cảnh Tri Yếu, phường An Hải là thủ phủ của quất cảnh, năm nay cũng đìu hiu. Số lượng cây to đẹp đã có khách đặt gần hết do khan hàng.
Vườn quất nhà bà Bùi Thị Mì (SN 1967) lớn nhất Tri Yếu, nhưng năm nay sản lượng cây không nhiều. Mọi năm gia đình bà có khoảng 300 cây, năm nay chỉ còn 100 cây, thu nhập giảm sút. Giá tại vườn từ 3 triệu đến 12 triệu/cây.
Bà Mì chia sẻ: "Trước bão, gia đình cũng chủ quan không chằng chống cho quất vì nghĩ bão không lớn thế. Sau khi bão qua, ra vườn nhìn cây cảnh mà bàng hoàng vì những cây to, thế đẹp, quả to đều bị gió quật đổ".
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND phường An Hải chia sẻ, cả phường có khoảng 130ha trồng cây cảnh phục vụ Tết. Năm nay sản lượng giảm khoảng 70%, đồng nghĩa với thu nhập của bà con giảm theo. Qua nắm bắt tình hình, chất lượng cây còn lại đảm bảo, giá thành ổn định không tăng đáng kể.
Những gốc đào giống thay thế và ông chủ vườn Dân Chiến đang chăm đào.
Ông Nguyễn Văn Bến, Chủ tịch phường cho biết thêm, ngay sau bão, hầu hết các chủ vườn đã mua thêm giống cây trồng bổ sung để gối lứa cho Tết năm sau. Dù khó khăn nhưng bà con vẫn tích cực bố trí nguồn lực để mua giống và duy trì truyền thống làng cây cảnh Đặng Cương từ bao đời nay.