Hải Phòng gắn biển tuyến đường mang tên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Ngày 13/5/2025, tại nút giao giữa đường Đỗ Mười và đường trục Đông – Tây, khu Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm ( Thủy Nguyên), UBND TP. Hải Phòng tổ chức Lễ gắn biển tuyến đường Đỗ Mười.
Đây là sự kiện, nằm trong chuỗi sự kiện Chào mừng 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng – thành phố Anh hùng (13/05/1955-13/05/2025) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025.
Trước đó, ngày 09/5/2025 UBND thành phố Hải Phòng ban hành kế hoạch số 116/KH-UBND về tổ chức Lễ gắn biển tuyến đường mang tên đồng chí Đỗ Mười – Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lễ gắn biển tuyến đường mang tên Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười với sự tham dự của các lãnh đạo thành phố và đại diện gia đình ông Đỗ Mười. Ảnh: UBTP
Đường Đỗ Mười có điểm đầu từ chân cầu Hoàng Văn Thụ kéo dài đến đường trục Khu công nghiệp VSIP. Đây là tuyến đường có hạ tầng đẹp, đồng bộ, hiện đại và ở trung tâm của Khu trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm. Tuyến đường có chiều dài hơn 1.6km, chiều rộng mặt cắt đường 66m với 10 làn xe, là tuyến đường chính của đô thị kết nối vùng lõi đô thị cũ với Trung tâm Chính trị - Hành chính mới thành phố Hải Phòng.
Đồng chí Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống), sinh ngày 02/02/1917, mất ngày 01/10/2018. Quê quán: Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, vào Đảng tháng 6/1939. Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở Nhà tù Hà Đông và Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1945, ông vượt ngục Hỏa Lò, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Sau đó lần lượt làm Bí thư các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình. Năm 1950, làm Phó Bí thư Liên Khu ủy, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu III. Năm 1951 - 1954, ông làm Bí thư Khu ủy khu Tả Ngạn sông Hồng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả Ngạn sông Hồng.
Đến năm 1955, ông chỉ đạo tiếp quản khu tập kết 300 ngày, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng. Tháng 3/1955, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ năm 1956, đồng chí Đỗ Mười giữ nhiều chức vụ quan trọng; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI, VII, VIII; Ủy viên Bộ Chính trị dự khuyết khóa IV; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khóa VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 6/1988 đến tháng 6/1991); Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1997 đến năm 2000). Đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX.
Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Để ghi nhớ công lao của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tri ân những đóng góp của ông đối với thành phố Hải Phòng, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về đặt tên đường Đỗ Mười tại Khu trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, thành phố Thủy Nguyên.
Việc đặt tên Đỗ Mười cho tuyến đường chính, trải dài trong khu đô thị đẹp, mới, hiện đại nhất thành phố Hải Phòng nhằm tôn vinh, tri ân những công lao, đóng góp của ông cho công cuộc đấu tranh chống quân xâm lược, xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng; đảm bảo đúng tiêu chí tại Khoản 5, Điều 10 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.
Lễ gắn biển tên đường Đỗ Mười nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025) để ghi nhớ sự kiện năm 1955, đồng chí Đỗ Mười được giao chỉ đạo tiếp quản khu 300 ngày, làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng. Đồng thời, là dịp vinh danh, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Đỗ Mười – người có công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và xây dựng thành phố Hải Phòng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ.
Qua đó nâng cao nhận thức việc gắn biển tuyến đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ có giá trị về kinh tế xã hội, giao thông đô thị mà còn mang giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện tấm lòng, tình cảm và sự tri ân những công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng.

Đại diện gia đình, con gái cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã bày tỏ vinh dự, tự hào vì được chứng kiến sự kiện gắn biển tuyến đường mang tên cha mình.
Có mặt tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - con gái Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được chứng kiến Lễ gắn biển tuyến đường mang tên cha mình tại tuyến đường đẹp, hiện đại của Hải Phòng.
Bà Thủy cũng chia sẻ về những gắn bó của cha mình với quân và dân thành phố Hải Phòng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cũng như công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này.
"Việc thành phố Hải Phòng quyết định đặt tên một con đường mang tên ông không chỉ là một sự ghi nhận cao quý đối với những cống hiến mà ông đã dành trọn đời cho quê hương, đất nước, mà còn là nguồn động viên, là niềm tự hào sâu sắc không chỉ đối với nhân dân thành phố Hải Phòng mà cả đối với cả gia đình, dòng họ, và thế hệ con cháu của chúng tôi. Gia đình vô cùng cảm ơn các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng, và toàn thể nhân dân TP. Hải Phòng đã tin tưởng, yêu mến và dành sự vinh danh cao quý này cho cha của chúng tôi", bà Thủy xúc động.