Hải Phòng có nhiều chính sách đãi ngộ giáo viên, học sinh giỏi, hỗ trợ học phí

Tổng kinh phí thực hiện chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ quản lý, giáo viên tại Hải Phòng trong 2 năm 2022, 2023 là gần 56 tỷ đồng.

Những năm vừa qua, ngành giáo dục Hải Phòng đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cấp học. Đáng chú ý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tuyển dụng theo tiêu chuẩn, quy trình cũ, nay phải tuyển lại hoặc nâng chuẩn theo quy định mới gây khó khăn không nhỏ.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã được quan tâm đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên, nhưng hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa cao.

Hải Phòng vẫn thiếu gần 1.000 giáo viên các cấp học

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho thấy, từ năm học 2020-2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã thực hiện tuyển dụng được khoảng 1.900 giáo viên, trong đó có 539 giáo viên mầm non, 721 giáo viên tiểu học, 468 giáo viên trung học cơ sở, 172 giáo viên trung học phổ thông.

Tổng số người làm việc được giao đạt 96,78% so với định mức quy định, thiếu 984 người so với định mức tại Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT.

 Hải Phòng vẫn diễn ra tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cấp học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hải Phòng vẫn diễn ra tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cấp học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu, đảm bảo trình độ đào tạo chuẩn, được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ,... đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập khu vực và quốc tế.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã triển khai bồi dưỡng các mô đun chương trình ETEP theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên hệ thống LMS đối với 100% cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông; bồi dưỡng các mô đun 6,7,8 chương trình ETEP theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên hệ thống LMS cho 500 cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông cốt cán; bồi dưỡng 100% giáo làm nhiệm vụ tư vấn học tâm lý cho học sinh tại các trường phổ thông theo Thông tư 31/2017/TT-BGD&ĐT (định mức mỗi trường tối thiểu 3 giáo viên);

Bồi dưỡng 100% giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý theo chương trình bồi dưỡng được Ban hành theo Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/07/2021; bồi dưỡng 100% giáo viên trung học cơ sở dạy Khoa học tự nhiên theo chương trình bồi dưỡng được theo Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT ngày 21/07/2021.

Đến cuối năm 2024, tổ chức đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên tiểu học. Phấn đấu đến năm 2025, 100% số giáo viên mầm non, phổ thông đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ theo Luật giáo dục 2019.

Cơ chế đãi ngộ giáo viên, học sinh giỏi, hỗ trợ học phí cho học sinh

Từ năm 2019 đến hết năm 2021 thành phố Hải Phòng thực hiện chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo thang bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ; mức tiền lương tối thiểu theo mức quy định chung tại các Nghị định của Chính phủ.

Từ năm 2022 đến nay, căn cứ quy định của Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết đặc thù quy định về mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, ngày 20/7/2022, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND quy định về mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý và sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 18/4/2023. Như vậy, từ năm 2022, ngoài chế độ tiền lương theo quy định chung hiện hành, viên chức khối giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố được hưởng thêm mức thu nhập bổ sung tăng thêm so với mức lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định hiện hành.

Cụ thể, năm 2022, mức thu nhập tăng thêm đối với viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên là 0,4 lần; đối với viên chức hoàn thành nhiệm vụ mức thu nhập tăng thêm là 0,2 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Trong năm 2023, mức thu nhập tăng thêm đối với viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên là 0,5 lần; đối với viên chức hoàn thành nhiệm vụ mức thu nhập tăng thêm là 0,3 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Từ năm 2024 trở đi, mức thu nhập tăng thêm đối với viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên là 0,6 lần; đối với viên chức hoàn thành nhiệm vụ mức thu nhập tăng thêm là 0,4 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Tổng kinh phí thực hiện chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ quản lý, giáo viên trong 02 năm 2022, 2023 là gần 56 tỷ đồng.

 Hải Phòng có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh giỏi toàn thành phố. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hải Phòng có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh giỏi toàn thành phố. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 18/4/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố được ban hành đã phần nào khắc phục được hạn chế của chính sách tiền lương thấp, đảm bảo nhu cầu, động viên, khuyến khích, tạo động lực cho viên chức ngành giáo dục và đào tạo nói riêng và cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố nói chung có hiệu quả công việc tốt tiếp tục phát huy, cống hiến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác nói riêng và thành phố nói chung.

Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng cũng ban hành Nghị quyết số 54 năm 2019 thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 với mức chi trên 300 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 về quy định cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố Hải Phòng.

Giai đoạn 2021-2024, tiền thưởng theo Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND cho giáo viên và học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế là hơn 25,8 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã biểu dương 596 học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế - xã hội thành phố

Những năm qua công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác bổ nhiệm lãnh đạo quản lý được Hải Phòng quan tâm thường xuyên. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các bậc học trên địa bàn được củng cố, kiện toàn cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Các trường đại học trên địa bàn thành phố được tổ chức theo hệ thống trường đại học chuyên ngành (bao gồm Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - các chuyên ngành hàng hải, kinh tế biển; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng - các chuyên ngành Y, Dược; Trường Đại học Hải Phòng - tiền thân là trường đại học sư phạm…).

Tính đến tháng 9/2024, số giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học trên địa bàn là 2.040 người (66 người có học hàm phó giáo sư, giáo sư; 307 người trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; 1.336 người trình độ thạc sĩ; 379 người có trình độ cử nhân).

Số lượng sinh viên, học viên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố là 35.657 (34.651 sinh viên đại học, 947 học viên thạc sĩ, 59 nghiên cứu sinh tiến sĩ); số sinh viên theo các chuyên ngành được thể hiện: 9.788 theo nhóm Kỹ thuật - Công nghệ, 9.399 theo nhóm Kinh tế - Luật, 6.493 theo nhóm Y - Dược, 4.751 theo nhóm Sư phạm - Ngoại ngữ, 2.010 theo nhóm Hàng hải - Đóng tàu, 581 theo nhóm ngành khoa học xã hội, 1.629 theo các chương trình tiên tiến.

 Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn thành phố. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn thành phố. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Ngày 10/4/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 05/6/2024, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1869/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn giảng viên trình độ cao.

Nhờ những chính sách này, chất lượng đào tạo của thành phố ngày càng được nâng cao, nhân lực qua đào tạo nghề bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng của thành phố và đất nước.

Để khắc phục những bất cập, Hải Phòng cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên; 100% cán bộ quản lý, giáo viên ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị dạy học hiện đại vào các hoạt động quản lý, dạy học.

Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn, hải đảo. Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng.

Đổi mới mạnh mẽ chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục; phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa đối với từng cấp học. Khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng tiếng Anh trong dạy học và quản lý giáo dục.

Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hai-phong-co-nhieu-chinh-sach-dai-ngo-giao-vien-hoc-sinh-gioi-ho-tro-hoc-phi-post248156.gd
Zalo