Hai 'ông trùm' sữa giả chi 150.000 USD để không bị xử lý hình sự
Mong muốn không bị xử lý hình sự, 2 'ông trùm' sản xuất sữa bột giả cho trẻ sơ sinh, bà bầu đã đưa 150.000 USD cho các bị can khác để 'chạy án'
Ngày 28-4, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Văn Quân (SN 1977, ở phường Yên Phụ quận Tây Hồ, TP Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị can Quân bị khởi tố do liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Rance Pharma. Ảnh: CAND
Cùng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Hacofood, và Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Rance Pharma, về tội đưa hối lộ; Phạm Gia Khải, cựu tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Việt Nam, về tội môi giới hối lộ.
Trước đó, ngày 10-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và bắt bị can để tạm giam đối với Hoàng Mạnh Hà, Vũ Văn Cường, Đặng Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, và Hồ Sỹ Ý, cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (sữa bột giả).
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố bắt tạm giam đối với Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường, Đặng Trung Kiên, Nguyễn Thành Luân, Giám đốc người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8-2024; Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Hacofood từ tháng 10-2024; Nguyễn Thu Thủy, Kế toán trưởng Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, Nguyễn Thị Mai Hương, nhân viên kế toán quản lý công nợ kiêm thủ quỹ Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood (riêng bị can này được tại ngoại) về hành vi vi phạm quy định về kết toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Cán bộ điều tra tiến hành kiểm dếm đối với hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả các loại bị thu giữ. Ảnh: Bộ Công an
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm giữ 90 lô sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng dạng sữa dạng bột được sản xuất (tương ứng với 84 loại) với 26.740 lon, hộp. Trong đó, đã tiến hành giám định xác định 12 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, vi phạm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ là hàng giả, còn 78 lô sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng dạng sữa dạng bột (tương ứng với 72 loại) đang tiếp tục được tiến hành giám định, điều tra làm rõ dấu hiệu của tội phạm "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm".
Bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, các đối tượng đã tạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu kê khai doanh thu thực tế để chia lợi nhuận cho các cổ đông góp vốn, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước số tiền thuế GTGT Công ty Rance Pharma phải nộp hơn 24,3 tỉ đồng, Công ty Hacofood phải nộp gần 4,5 tỉ đồng.
Liên quan đến các bị can vừa bị khởi tố, Bộ Công an xác định sau khi bị lực lượng Cảnh sát môi trường, Bộ Công an kiểm tra, tạm giữ hàng hóa ngày 27-12-2024, bị can Hoàng Mạnh Hà và bị can Vũ Mạnh Cường đã thống nhất tìm cách "chạy" vụ việc để không bị xử lý nặng, được xử lý hành chính, không bị xử lý hình sự. Qua đó, Cường đã chuẩn bị 150.000 USD giao cho Hà.
Từ đó, Hà đưa cho Phạm Gia Khải, cựu tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Việt Nam, đưa 150.000 USD cho Nguyễn Văn Quân để Quân "lo chạy" cho 2 công ty và các bị can không bị xử lý hình sự trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả.
Quân đưa ra nhiều thông tin gian dối về việc có quen biết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền có thể giảm nhẹ được mức độ xử lý, không xử lý hình sự vụ việc làm cho Khải tin tưởng. Sau khi nhận được 150.000 USD, Quân đã chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.