Hai nhân tố quan trọng đưa xuất nhập khẩu Việt Nam 'cất cánh'

Nâng cao chất lượng hàng hóa và đa dạng thị trường xuất khẩu vừa là mục tiêu, đồng thời cũng là đòi hỏi thực tiễn của hoạt động xuất nhập khẩu.

Sau 2 năm thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, việc nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu là 2 trong số các kết quả nổi bật của xuất khẩu của nước ta. Thực tế, đây vừa là mục tiêu, đồng thời cũng là đòi hỏi thực tiễn mã hoạt động xuất nhập khẩu phải đáp ứng. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xoay quanh vấn đề này.

Thưa bà, thị trường thế giới thay đổi đang đặt ra những yêu cầu mới cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 nêu ra những mục tiêu như thế nào?

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã nhận diện kinh tế thế giới sẽ có những biến động tương đối khó lường và phức tạp. Thực tế, 3 năm qua, những nhận định này hoàn toàn chính xác khi các hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua đã đối diện với rủi ro trong từng giai đoạn khác nhau, khi thì tổng cầu giảm, lúc thì lạm phát tại các nước nhập khẩu cao; chi phí logistics tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng hay việc thiếu container...

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh về thị trường, nguồn nhân lực, công nghệ, chiến tranh thương mại cũng gây ra những rủi ro với hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, bối cảnh thế giới cũng có nhiều thay đổi khi mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ có tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế thế giới. Chính phủ, người dân, người tiêu dùng các nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố môi trường, sức khỏe và đặt ra những quy định, yêu cầu tương đối cao đối với lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Hạnh Lê

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Hạnh Lê

Và yếu tố cuối cùng đó là những thách thức về biến đổi khí hậu, về môi trường, do đó, đã số các nước đưa ra yêu cầu phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Từ những yếu tố này, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa cũng đặt ra những yêu cầu, những mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu.

Theo đó, mục tiêu xuyên suốt của Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đó là phát triển bền vững, với sự cân đối, hài hòa về cả chủ thể xuất khẩu, thị trường xuất khẩu; đồng thời, phát huy lợi thế cạnh tranh, tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết; cùng đó phát huy vai trò, vị thế của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu để tiếp tục coi xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Sau gần 2 năm triển khai, theo bà, việc thực hiện của doanh nghiệp đáp ứng chiến lược này ra sao; đặc biệt trong 2 câu chuyện: Nâng cao chất lượng hàng hóa và đa dạng thị trường xuất nhập khẩu?

Nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vừa là mục tiêu, đồng thời đây cũng là đòi hỏi thực tiễn mà hoạt động xuất nhập khẩu phải đáp ứng. Thực tế, kết quả thực hiện chiến lược trong thời gian qua cho thấy, đây là 2 trong số các kết quả khá nổi bật của xuất khẩu.

Chúng ta đã chuyển dịch tương đối thành công cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, khi đã tăng được tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như tăng tỷ trọng mặt hàng chế biến, giảm tỷ trọng mặt hàng sơ chế, nguyên liệu khoáng sản.

Cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô hàng hóa xuất khẩu tăng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phát triển được một số mặt hàng mới như dụng cụ, phụ tùng, đồ chơi. Hay với rau quả, chúng ta thấy sự nổi bật của mặt hàng sầu riêng.

Về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong những năm qua, khi các thị trường lớn, thị trường truyền thống của chúng ta gặp khó khăn do lạm phát tăng cao và nhu cầu từ các thị trường này giảm, chúng ta cũng đã rất thành công khi duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường Tây Á, Đông Âu, châu Phi.

Năm 2023, khi khu vực thị trường châu Âu gặp khó khăn, chúng ta đã tận dụng được cơ hội từ việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này. Từ đó, đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn ngành.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được ban hành với nhiều điểm nhấn quan trọng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được ban hành với nhiều điểm nhấn quan trọng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Sản xuất xanh đang là xu thế và là công cụ cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, đây còn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Vậy nguyên nhân của hạn chế này là gì, thưa bà?

Sản xuất xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Mỗi một quốc gia có một kế hoạch và lộ trình riêng để triển khai các hoạt động này. Trên thực tế, các quy định xanh của các nước nhập khẩu có lộ trình và thời gian để cho các nước sản xuất, xuất khẩu như Việt Nam có thể từ từ thích ứng chứ không phải là những quy định bắt buộc thực hiện ngay lập tức.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những nhận thức, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai để đáp ứng quy định này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế để thích ứng.

Việc này xuất phát từ nhận thức, hơn hết là chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, đáng chú ý là các quy định liên quan đến vấn đề phải chuyển đổi công nghệ, vùng nguyên liệu sẽ đòi hỏi chi phi rất lớn và điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các quy định có sự thay đổi vì có lộ trình có thể năm nay áp dụng với mặt hàng này, sang năm mở rộng ra các mặt hàng khác. Hoặc năm nay là các quy định này, sang năm các quy định sẽ chặt chẽ hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin kịp thời, đây cũng là điểm khó cho các doanh nghiệp.

Đây cũng là vấn đề đòi hỏi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt được và chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình nhằm đáp ứng các quy định của thị trường.

Vấn đề nữa là liên quan đến câu chuyện thực thi các quy định này đòi hỏi phải có những hướng dẫn. Có những quy định liên quan đến vấn đề kiểm đếm, thống kê. Những quy định này cũng cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong phổ biến kịp thời quy định của nước bạn cũng như hướng dẫn kịp thời để doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện.

Trong bối cảnh xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững đang là xu thế không thể đảo ngược như hiện nay, bà có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu bền vững hơn? Bộ Công Thương có giải pháp gì hỗ trợ cho doanh nghiệp?

Xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trong chương trình hành động cũng đã đặt ra những giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ này.

Về phía Bộ Công Thương, sẽ tập trung vào các vấn đề chủ yếu liên quan đến công tác phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp.

Bộ chỉ đạo mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc thích ứng, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của các nước.

Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp các thông tin kịp thời, nhanh nhất để doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng để có những đào tạo, tập huấn liên quan đến mẫu mã, thương hiệu, thiết kế sản phẩm, để các sản phẩm xuất khẩu có thể phát triển bền vững tại các thị trường nhập khẩu.

Về phía doanh nghiệp cần biết và nắm được quy định này. Từ đó, nỗ lực và đầu tư thời gian, vì trên thực tế, các quy định về tiêu chuẩn xanh của các thị trường đều có lộ trình thực hiện, nếu doanh nghiệp nỗ lực ngay từ đầu và đáp ứng khả năng thì sẽ tương đối khả thi.

Mặt khác, không phải quy định nào cũng đòi hỏi chi phí cao, đòi hỏi chuyển đổi công nghệ, mà đôi khi chỉ là các quy định liên quan đến kiếm đếm, công tác thống kê, doanh nghiệp cần nắm được để thực hiện theo đúng quy định của nước bạn.

Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực sản xuất của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất sản phẩm xanh từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, kể cả khi thị trường chưa yêu cầu nhưng khi sản phẩm đã xanh rồi thì chúng ta sẽ có lợi thế hơn các nước khác.

Thực tế, đôi khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại là một lợi thế, bởi quy mô nhỏ, việc chuyển đổi không quá mất thời gian và tốn kém. Hay với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, nếu nắm bắt ngay quy định và triển khai và thích ứng ngay từ đầu, thì dễ dàng thích ứng.

Doanh nghiệp phải có kế hoạch bài bản, xác định được thị trường mục tiêu của mình, sản xuất và xuất khẩu theo tín hiệu thị trường, cái mà thị trường cần. Khi xác định được thị trường mục tiêu, nắm bắt được yêu cầu thị trường thì sẽ có kế hoạch đáp ứng được yêu cầu này.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Lan (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hai-nhan-to-quan-trong-dua-xuat-nhap-khau-viet-nam-cat-canh-348034.html
Zalo