Hai nghĩa của nghiệp

NSGN - Luật nghiệp ( karma ) là một nguyên lý cơ bản của thế giới quan Phật giáo. Nói vắn tắt, nghiệp đề cập đến quan điểm rằng những hành động có tác ý sẽ tạo ra những kết quả có ảnh hưởng đến đời này và những đời sau.

Thực sự, chính nghiệp dẫn đến sự tái sanh. Giới Phật tử nghĩ nghiệp là một sự biểu hiện khác của nguyên lý duyên khởi, nguyên lý nhân quả, theo đó, mọi thứ tồn tại và phát triển nhờ vào những điều kiện cụ thể. Với nghĩa này, luật nghiệp là một loại luật tự nhiên, hành động dẫn đến kết quả một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của một đấng thần linh nào. Đức Phật đã nhấn mạnh rằng hành động chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả tương ứng:

Không trên trời dưới biển Không lánh vào động núi Không chỗ nào trên đời Trốn được quả ác nghiệp (1).

Đạo Phật truyền thống đã đưa ra những giáo huấn về đạo đức, trong đó phần lớn nói về tính tất yếu của nghiệp quả. Những hành động tội lỗi như giết hại, trộm cướp, nói dối… là các nghiệp xấu và sẽ dẫn đến tái sinh trong hàng hạ tiện, đọa xứ hay địa ngục. Trái lại, những việc làm tốt như bố thí (đặc biệt là cúng dường cho chư Tăng) sẽ tạo ra phước lành và dẫn đến sự tái sinh vào các cảnh giới tốt lành: loài người ở bậc tôn quý hoặc các cõi trời. Những Phật tử phương Tây, khi xem xét những lời dạy truyền thống về nghiệp, thì nhìn chung thiên về tìm hiểu luật nghiệp ở khía cạnh tâm lý, như một lời nhắc nhở rằng những hành động tốt sẽ đưa đến những trải nghiệm an vui trong đời này và những hành động xấu sẽ dẫn đến những khổ đau. Mục đích của tôi ở bài viết này là chúng ta cần nên hiểu rằng từ “nghiệp” ở đây được sử dụng theo hai cách và có hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Những Phật tử truyền thống có thể không lưu tâm đến điều này nhưng đối với đạo Phật ở phương Tây lại rất quan trọng.

Tôi sẽ phân biệt hai nghĩa của nghiệp là nghiệp tâm lý và nghiệp vũ trụ (tức nghiệp như một luật vũ trụ). Khi những người phương Tây nói về luật nghiệp, họ thường chỉ nghĩ đến một nghĩa, đó là nghĩa tâm lý nghiệp. Theo nghĩa này luật nghiệp chung quy là những hành động có tác ý của thân, khẩu, ý, là tác nhân dẫn đến các trạng thái tâm lý. Những hành động thiện lành sẽ mang đến trải nghiệm tích cực trong quá trình tu dưỡng, và những hành động xấu ác sẽ dẫn đến những trải nghiệp tiêu cực. Ví dụ, nếu tôi đến các tự viện và cúng dường tịnh tài, tịnh vật cho các Tăng Ni thì việc bố thí này sẽ mang đến những kết quả rất khả quan: tôi cảm thấy vui vẻ hơn bởi sự quan tâm thường ngày đã vượt ra giới hạn của bản thân; tôi cảm thấy hứng khởi bởi vì việc cúng dường cho các tu sĩ đã giúp tôi kết nối với những vị hành trì pháp; tôi cảm thấy cuộc đời của tôi có ý nghĩa hơn bởi vì việc bố thí nhìn chung có thể khiến tôi liên kết với Tăng đoàn. Ngược lại, nếu như tôi thường trốn thuế hay trộm những gói cà-phê ở nơi làm việc thì chắc chắn hậu quả là tôi cảm thấy bất an bởi lo lắng thanh tra sẽ bắt tôi hay người quản lý nhà bếp tại nơi tôi làm việc sẽ để ý đến việc trộm cắp của tôi; tôi cảm thấy bất an vì tôi phải đề phòng những người mà tôi thân cận, đặc biệt là tại nơi tôi làm việc; tôi cảm thấy cuộc sống của mình là một cuộc vật lộn, bởi vì không lúc nào tôi cảm thấy thư thái với tâm tốt lành được.

Tâm lý nghiệp cực kỳ quan trọng, đó là lý do vì sao việc tuân thủ đạo đức lại dẫn đến kết quả tốt đẹp và bản thân thấy vui vẻ, hạnh phúc và hòa đồng với mọi người. Đây chính là nền tảng cơ bản cho sự tiến bộ xa hơn trên con đường tu Phật. Mặt khác, một vấn đề nữa đáng lưu ý rằng đạo đức Phật giáo dựa trên chân lý: “Mọi hành động đều đưa đến kết quả”. Nhưng một hành động thiện lành sẽ đưa đến kết quả tốt cho tất cả mọi người chứ không riêng gì bản thân mình. Các quy tắc đạo đức được rút ra từ luật nghiệp. Nhưng cũng đừng bao giờ xem tâm lý nghiệp của mỗi người là hệ quả duy nhất đưa đến hành động của chúng ta, mà có lẽ đối với nhiều người, hứa hẹn về một hạnh phúc lớn lao hơn đóng vai trò như một động lực để trở nên tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, khi những Phật tử truyền thống nói về luật nghiệp, họ thường nghĩ về một nghĩa khác với tâm lý nghiệp, điều mà tôi gọi là nghiệp vũ trụ. Nơi nghĩa thiên nhiều hơn về truyền thống này, luật nghiệp nói về sự công bằng đạo đức phổ quát: những hành động có tác ý của thân, khẩu, ý sẽ đưa đến kết quả ngay trong đời này hoặc có thể trong những kiếp sau. Theo luật nghiệp vũ trụ, nếu tôi thường thăm viếng các tự viện và cúng dường Tăng Ni thì hành động bố thí ấy sẽ tạo ra phước báu. Phước báu ấy sẽ ảnh hưởng đến tôi một cách tích cực trong đời sống này. Và sau khi tôi mất, tôi sẽ thọ lãnh một đời sống mới tốt đẹp hơn, có thể là trong một gia đình giàu có, một đất nước Phật giáo hay các cõi trời. Trái lại, khi tôi trốn thuế hay ăn trộm cà-phê, thì những hành động xấu xa ấy sẽ dẫn đến tội lỗi. Và sau khi tôi mất, nó sẽ dẫn tôi tái sanh vào một đời sống mới thấp hèn hơn, có thể trong gia đình trộm cướp, hay trở thành người thu thuế hay người trồng cà-phê, mà cũng có thể là địa ngục.

Luật nghiệp vũ trụ là một phần của vũ trụ quan Phật giáo. Chúng sanh luân hồi trong các nẻo: trời, người, súc sanh, địa ngục tùy vào nghiệp của họ. Do thế giới thay đổi nên tất cả chúng sanh liên tục sinh ra và chết đi, nhưng kết quả của hai loại hành động xấu và tốt chỉ kéo dài trong khoảng thời gian nhất định trước khi họ suy kiệt. Vậy nên chư thiên có thể bị đọa, mà chúng sanh dưới địa ngục lại có thể tìm con đường trở về với ánh sáng của nhân gian, tất cả đều thông qua luật nghiệp. Nghiệp vũ trụ này là một hệ thống công bằng của vũ trụ, nhờ đó mà đạo đức không bị chìm vào quên lãng, mà nơi bản ghi chép sự việc, những phẩm chất đạo đức của họ sẽ được bảo tồn cho đến khi vũ trụ ban thưởng hay trừng phạt những người làm thiện hay ác.

Tôi cho rằng đạo Phật truyền thống chưa bao giờ phân biệt hai nghĩa này nơi luật nghiệp, vũ trụ và tâm lý. Tôi nghĩ lý do là vì quan điểm nghiệp vũ trụ bắt nguồn từ tư tưởng tôn giáo và triết học của những người Ấn Độ cổ đại, không phải khởi nguyên từ một học thuyết tâm lý nào. Theo đạo Bà-la-môn trước thời Đức Phật, nghiệp mang nghĩa là những hoạt động nghi lễ. Ví dụ, người con trai phải thể hiện nghi lễ trong đám tang của cha mình để chắc chắn rằng người chết đã đi về với tổ tiên. Những nghi lễ như vậy bao gồm nhiều mục. Người ta tin rằng thể hiện đúng đắn nghi thức sẽ tác động đến bản thể của vũ trụ. Khoảng vào thời Đức Phật, đạo Kỳ-na (Jainism) hình thành một khái niệm mới về nghiệp. Theo họ, nghiệp là một loại vật chất bám lấy linh hồn của một người và giúp người đó tồn tại và phát triển. Nghiệp lành thì trong sạch hơn nghiệp xấu, nhưng tốt hơn cả lại là vô nghiệp. Lại nữa, sự ảnh hưởng của nghiệp vốn có mặt nơi bản thể của vũ trụ. Nhưng bấy giờ sự ảnh hưởng này đã được cá nhân hóa và đạo đức hóa. Thế rồi Đức Phật đã trao cho quan điểm nghiệp cá nhân và đạo đức này một chiều hướng tâm lý, do đó loại nghiệp quan trọng nhất là ý định của tâm thức, nó không phải là một dạng vật chất mà là một cái gì đó trừu tượng(2).

Như vậy, mặc dù nghĩa tâm lý của nghiệp luôn luôn là một phần trong lời dạy của Đức Phật, nó vẫn chưa được tách biệt ra khỏi nghĩa vũ trụ. Nhưng dĩ nhiên, hai ý nghĩa này của nghiệp có những hàm ý rất khác nhau. Nghiệp vũ trụ là quan điểm của tín ngưỡng tôn giáo, người bình thường không thể hiểu được sự vận hành của nó, vì Đức Phật đã dạy sự vận hành của nghiệp là bất khả tư nghì. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng một cách đơn giản rằng đó chính là cách vận hành của vũ trụ. Hơn nữa, nghiệp vũ trụ gắn liền với niềm tin, không chỉ trong vấn đề tái sinh mà còn nhiều cảnh giới tồn tại trong vũ trụ quan Phật giáo. Tóm lại, luật nghiệp vũ trụ là vấn đề thuộc về tín ngưỡng tôn giáo.

Ngược lại, luật nghiệp tâm lý không phải là vấn đề của niềm tin, mà là thứ chúng ta có thể tự quan sát và thực nghiệm. Thực sự, nhờ những lỗi lầm trong quá khứ, đa số chúng ta có kinh nghiệm kha khá về việc làm các hạnh lành và tránh các điều xấu ác. Nhưng hầu hết, luật nghiệp tâm lý thách thức trực giác của các giác quan cũng như dễ dàng thử nghiệm qua những việc làm thực tế. Hành động tốt sẽ đưa đến kết quả tốt, kết quả ấy có thể thực nghiệm bây giờ và tại đây, điều đó dường như đã trở thành một phần trong giáo pháp của Đức Phật, thiết thực hiện tại, vượt thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng và được người trí chứng hiểu.

Theo tôi, những Phật tử phương Tây nhìn chung có khuynh hướng thiên về luật nghiệp tâm lý. Điều này đưa đến cảm nhận rằng luật nghiệp tâm lý thì thực tiễn, mang tính kinh nghiệm hơn. Luật nghiệp vũ trụ thì ngược lại, mang màu sắc tín ngưỡng và thực sự suy đoán trừu tượng, bởi vì những hiểu biết của chúng ta về nó phụ thuộc vào Phật giáo truyền thống. Đối với tôi, có vẻ như nghĩa của nghiệp vũ trụ không thích hợp thế giới quan của khoa học ngày nay, và bởi lý do này, nhiều Phật tử Tây phương không tin vào luật nghiệp gắn liền với vũ trụ. Trong khi đó, luật nghiệp như lời dạy về tâm lý một cách rõ ràng là trọng tâm của khái niệm về pháp. Vì vậy, việc phân biệt giữa nghĩa tâm lý và vũ trụ của luật nghiệp thực sự quan trọng để chọn ra những gì khác biệt của đạo Phật ở phương Tây.

---------------
(1) Kinh Pháp cú, kệ 127.
(2) Trong What the Buddha Thought, Richard Gombrich đã truy nguyên những nguồn gốc của lời dạy về nghiệp của Đức Phật ở trong truyền thống Bà-la-môn và Kỳ-na giáo, Equinoxe, London, 2009.

Dhivan Thomas Jones (Nhuận Ngọc dịch)/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hai-nghia-cua-nghiep-post47696.html
Zalo