Hai mục tiêu ưu tiên của tín dụng để góp phần đạt được tăng trưởng kinh tế 8%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định tín dụng sẽ được tập trung vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng để tận dụng cầu nội địa, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng.

Năm 2025, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, cao hơn so với mức tăng trưởng đạt được trong năm 2024 là 15,08% và ở mức cao so với nhiều năm gần đây. Với mục tiêu này, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm nay.

Chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với điều hành tăng trưởng tín dụng, đây là một trong những trọng tâm rất lớn. Trong năm 2025, NHNN đã xác định chỉ tiêu định hướng là khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế.

Ngay từ đầu năm, NHNN đã thông báo tốc độ tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và đây là cách thức điều hành phù hợp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm nay.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm nay.

“Trong năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về tín dụng, nhất là đối với tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và tín dụng tiêu dùng để khai thác được cầu nội địa như những ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, bà Hồng khẳng định.

Trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rẳng tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn mục tiêu 16% nếu vẫn kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, đòi hỏi rất nhiều chính sách cũng như giải pháp đồng bộ tất cả các lĩnh vực. “Muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, mà muốn đầu tư thì phải có vốn để bảo đảm phát triển”, ông Tú nói.

Dẫn chứng cụ thể, Phó Thống đốc cho hay trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP. Chẳng hạn, năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%.

“Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%”, đại diện NHNN cho biết.

Để đảm bảo nguồn vốn cho những mục tiêu này, đại diện lãnh đạo NHNN cho rằng, trước tiên phải đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng thương mại, có chính sách lãi suất hợp lý, thu hút vốn từ người dân. Trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố, thì trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025.

Cuối năm 2023, tổng dư nợ khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, riêng năm 2024 đã tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay là 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.

Do đó, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại. NHNN sẽ thực hiện trước hết quan điểm vẫn phải là làm sao đạt mục tiêu, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.

Trước mắt, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay. "Trong trường hợp cần vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành trong cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao và định hướng của NHNN, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã đẩy mạnh vốn ra thị trường bằng các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu tín dụng trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán và sau Tết.

Với mức tăng trưởng GDP phấn đấu trên 8%, các ngân hàng được nhận định sẽ có nhiều dư địa đẩy tín dụng trong năm nay. Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu và vay phục vụ đời sống, tiêu dùng được dự báo sẽ là 3 lĩnh vực động lực tăng trưởng tín dụng cao nhất năm nay.

Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết năm 2025, ngân hàng sẽ dành ít nhất 50% room tín dụng cho phân khúc bán lẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phần còn lại phân bổ cho các doanh nghiệp lớn. Trong số đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm lĩnh vực ưu tiên vẫn sẽ được MB tập trung đẩy mạnh cho vay.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý I/2025 của Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN), các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 3,4% trong quý I/2025 và tăng 14,2% trong cả năm 2025. Tín dụng ngắn hạn được nhận định sẽ tăng nhanh hơn tín dụng trung và dài hạn trong quý I và cả năm 2025.

Dự báo này đã giảm nhẹ 0,2% so với mức 14,4% trong kỳ điều tra trước, song tăng đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng quý I/2024 (tăng 1,34%).

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/hai-muc-tieu-uu-tien-cua-tin-dung-de-gop-phan-dat-duoc-tang-truong-kinh-te-8-1104836.html
Zalo