Hai màu sáng - tối đan xen

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Năm 2024, kinh tế Việt Nam có cả 2 gam màu sáng - tối đan xen. Thế nhưng, màu sáng là gam màu chủ đạo.

Kinh tế Việt Nam 2024: Vững vàng trong bão tố

Bão số 3 - Yagi được xem là thành tố làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên đến cuối năm, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực. Loạt bài dưới đây sẽ cùng nhìn nhận rõ, kỹ lưỡng hơn về những tác động tiêu cực của thiên tai tới nền kinh tế Việt Nam, những chỉ số tăng trưởng đáng khích lệ cũng như những động lực tăng trưởng còn cần tiếp tục phải được cải thiện, tháo gỡ để nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục phát triển cao hơn trong năm 2025.

Nhân dịp kết thúc năm 2024, chào đón năm mới - năm 2025, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về những thành quả kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm vừa qua.

Kinh tế Việt Nam năm 2024 với 2 gam màu sáng - tối

+ Nhìn lại năm 2024, ông có nhận xét gì về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam?

- Nếu nhìn vào những gì đã diễn ra trong năm 2024, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam trong có cả 2 gam màu sáng - tối đan xen. Dù vậy, tính đến hết quý III/2024, màu sáng là gam màu chủ đạo, nó thể hiện ở việc chúng ta hoàn thành được 15/15 chỉ tiêu, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP đã vượt.

Trong năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó đặc biệt là xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng 2 con số, giúp Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong năm 2024.

Mặc dù không cao bằng những năm trước, nhưng so với khu vực và so với bối cảnh chung của thế giới, thì đạt được kết quả này đã là cố gắng cực lớn, chứng minh Việt Nam không những giữ được thị trường mà lại còn tăng được thị phần mặc dù tình hình thế giới như vậy.

 TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế.

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế.

Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, nhất là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tốt.

Đây là những gam màu sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn những gam màu tối cần phải nhìn nhận thẳng thắn.

Đơn cử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn, thể hiện ở chỗ số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường và số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường có biến động rất lớn.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta chưa đạt yêu cầu, chúng ta đang băn khoăn dành nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay là cả hai, trong khi nguồn lực còn có hạn.

Đây là bài toán không phải của năm 2024 mà đã được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng chưa có được sự đồng thuận của xã hội. Ngay cả Chính phủ, trong năm 2024 mới xác định hỗ trợ doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có sức lan tỏa, những doanh nghiệp làm trụ cột, các doanh nghiệp đầu chuỗi để kéo các doanh nghiệp khác phát triển.

Việt Nam còn chưa khai thác tốt thị trường Trung Quốc, mặc dù đây là thị trường rất tiềm năng mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều nhìn vào. Vì vậy, để tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng trong những năm tới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh sang thị trường tỷ dân này.

Ngoài ra, trong năm 2024, một trong những điểm nhấn lớn của kinh tế Việt Nam đó là việc hoàn thành dự án Đường dây 500kW mạch III, đoạn từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Với tổng chiều dài lên tới 519km, đi qua nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, nhưng chỉ mất 7 tháng là đóng điện, đây được coi là kỳ tích của Việt Nam. Tuy nhiên kỳ tích này cũng là đặt ra câu hỏi, “tiếng chuông cảnh tỉnh”, rằng vì sao một dự án khó như Đường dây 500kW mạch III chỉ mất 7 tháng hoàn thành, trong khi đó nhiều dự án đầu tư công khác chậm tiến độ, phải mất vài năm mới xong.

Nếu xét về nguồn lực, vật lực, năng lực và cả nhân lực, tôi tin chúng ta hoàn toàn đáp ứng được, yếu tố còn thiếu ở đây chính là sự quyết tâm có làm hay không. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì tình trạng này, tự chúng ta gây khó khăn cho chúng ta, tự chúng ta làm cho tốc độ tăng trưởng bị chậm lại.

+ Trong năm 2024, Việt Nam có thể hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Ngay cả một trong những chỉ tiêu khó nhất, đó là tăng năng suất lao động cũng “về đích” thành công, sau 3 năm không đạt. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Việc Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội là tín hiệu tốt, thể hiện nền kinh tế chúng ta đang tiếp tục tăng trưởng tích cực. Riêng chỉ tiêu tăng trưởng năng suất lao động đạt được, sau 3 năm không đạt là nhờ một số ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh trong năm 2024, ví dụ như dệt may.

Trên thực tế, nếu xét năng suất lao động bình quân, chúng ta có thể thấp, một phần là do ngành nông nghiệp vẫn còn lạc hậu kéo xuống, nhưng nếu xét năng suất lao động ở một số ngành công nghiệp trọng điểm như dệt may, điện tử lại không hề thấp và đang có xu hướng tăng trong vài năm gần đây.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, tức là GDP bình quân đầu người sẽ phải đạt khoảng 13.0000 - 15.000 USD/người/năm. Ở thời điểm hiện nay, GDP bình quân đầu người của người Việt khoảng 4.800 USD/người/năm. Như vậy, để đạt được mục tiêu này, trong 20 năm nữa chúng ta phải nâng GDP bình quân đầu người thêm 10.000 USD/người/năm. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, muốn tăng thêm 10.000 USD/người/năm đến năm 2045, trong 20 năm tới Việt Nam phải duy trì tốc độ tăng trưởng 8% - 10%/năm, đây là mục tiêu cực kỳ thách thức. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 là hơn 7%. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu dài hạn này đòi hỏi phải phấn đấu, phải nỗ lực hơn nữa trong những năm tới.

+ Trong năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Úc (tháng 3/2024), Pháp (tháng 10/2024) và Malaysia (tháng 11/2024). Đồng thời, Việt Nam có thêm một Hiệp định thương mại (FTA) mới với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nâng tổng số FTA đã có lên con số 17. Với FTA mới và việc nâng cấp quan hệ, theo ông những yếu tố này sẽ tác động thế nào đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

- Úc, Pháp, Malaysia, hay UAE đều là những đối tác thương mại truyền thống của Việt Nam. Việc chúng ta nâng cấp quan hệ với họ sẽ có tác động tích cực đối với xuất nhập khẩu, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, việc chúng ta nâng cấp quan hệ với những “siêu cường” kinh tế trong khu vực và trên thế giới đã giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhưng phải lưu ý rằng, FTA vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi, khi tham gia vào FTA, Việt Nam phải tạo ra khung pháp lý bình đẳng cho các doanh nghiệp cùng cạnh tranh, không phân biệt doanh nghiệp “nội” hay doanh nghiệp nước ngoài.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi về mặt quản trị doanh nghiệp, rất có thể với tiềm lực tài chính mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thắng thế ngay trên sân nhà.

Việt Nam cần phải bước vào giai đoạn Đổi mới lần thứ 2

+ Giữa tháng 11/2024, Quốc hội đã Thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tại Nghị quyết này, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 7 - 7,5%. Theo ông, mục tiêu này có khả thi hay không?

- Năm 2025, đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư tư nhân, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Nếu tháng 10/2025, Việt Nam triển khai được dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5% hoàn toàn khả thi. Thậm chí, GDP Việt Nam trong 3 năm tiếp theo có thể tăng 8%/năm. Tất nhiên, triển khai chậm ngày nào đều khiến tốc độ tăng trưởng chậm ngày đó.

Trên thực tế, năm 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), vì vậy chúng ta phải tăng tốc, bứt phá nhằm tạo những tiền đề thuận lợi cho những năm tiếp theo. Trước đây có những năm chúng ta ưu tiên ổn định vĩ mô, có lúc phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng để giữ vĩ mô ổn định. Nhưng nay, chúng ta ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là góc nhìn mới của chúng ta trong việc điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2025.

+ Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để tạo ra xung lực cho nền kinh tế tăng trưởng trong những năm tới?

- Không còn gì khác ngoài việc phải thay đổi, phải bước vào giai đoạn Đổi mới lần thứ 2. Năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới, tôi gọi đây là Đổi mới đợt 1. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã thành công khi thay đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 40 năm, chúng ta đã phát huy được tất cả các nguồn lực sản xuất tham gia vào nền kinh tế.

Tới thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải thay đổi để bước vào thời kỳ Đổi mới đợt 2, phải đi thêm một bước nữa trong quá trình định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mạnh mẽ hơn các đột phá chiến lược.

Muốn phát triển nhanh cần tiếp tục tạo đột phá và lan tỏa, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, huy động được tất cả nguồn lực của đất nước.

Vẫn là những đột phá đó: Thể chế, hạ tầng và nhân lực nhưng phải có tư duy mới, cách làm mới. Trước hết phải đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới. Trong đó cần thay đổi cách làm luật để luật phù hợp với một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi.

Việc ban hành luật, các quy định pháp lý sao cho vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới, nhất là đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới.

Và xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh, trong đó tập trung hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển…

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

+ Xin cảm ơn ông!

Việt Vũ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-mau-sang--toi-dan-xen-post327755.html
Zalo