Hai luồng ý kiến quanh đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông tại 6 thành phố lớn
Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa 2 lần mức phạt chung tại thành phố Hà Nội và khu vực nội thành các thành phố trực thuộc trung ương nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Tại địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương (TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Hải Phòng), mức phạt tiền có thể cao hơn, tối đa không quá 2 lần mức phạt chung. Mức phạt này đề xuất áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ cùng một số lĩnh vực khác.
Theo luật hiện hành, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực giao thông đối với cá nhân là 75 triệu đồng và tổ chức là 150 triệu đồng. Như vậy, với đề xuất mới, mức xử phạt giao thông cao nhất với cá nhân có thể lên tới 150 triệu đồng và với tổ chức 300 triệu đồng. Tiền Phong ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội xoay quanh đề xuất này.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.
Dẹp ‘ma trận’ biển báo trước
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM): Tôi cho rằng, nên cân nhắc về việc tăng mức xử phạt giao thông đường bộ tại Hà Nội và khu vực nội đô của 5 thành phố trực thuộc trung ương. Hạ tầng giao thông của chúng ta hiện chưa đồng bộ, sửa chữa liên tục, làm rối người tham gia giao thông, dễ dẫn tới những lỗi không đáng có.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), mức phạt hiện nay chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe, nhất là với trường hợp vi phạm tính chất mức độ nghiêm trọng, hoặc cố tình vi phạm. Từ đó, bà Xuân đề xuất mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ 75 triệu đồng lên đến 150 - 200 triệu đồng, để tăng sức răn đe.
Những tuyến đường mới hiện nay, nếu đi vào rất dễ bị vi phạm, đặc biệt với những phương tiện từ địa phương khác khi vào thành phố. Cần dẹp ‘ma trận’ biển báo giao thông trước khi tăng mức xử phạt.
Do vậy, cần bổ sung thêm quy định, các tuyến đường đang sửa chữa, thi công hoặc có rào chắn, làm ảnh hưởng tới tầm nhìn... thì lưu ý không xử phạt. Tôi ủng hộ việc tăng mức hình phạt nghiêm minh hơn, nhưng phải đặt trong các hoàn cảnh, điều kiện về hạ tầng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu.
‘Cần mức phạt mang tính răn đe hơn’
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (thành phố Huế): Mức xử phạt giao thông đường bộ hiện cao nhất là 75 triệu đồng đối với cá nhân, song thực tế, vẫn có các hành vi vi phạm. Tình trạng vi phạm giao thông không những gây thiệt hại cho người vi phạm mà ảnh hưởng lớn tới an toàn xã hội, gây ra đình trệ cho phát triển kinh tế do phá vỡ hệ thống giao thông.
Do đó, với các trường hợp cố tình, không tuân thủ pháp luật cần xử phạt nghiêm minh. Tăng xử phạt lên gấp đôi là không cao so với những tác động của hành vi gây ra cho kinh tế, xã hội. Chúng ta cần mức phạt mang tính răn đe hơn, hạn chế thấp nhất có thể đối với tệ nạn vi phạm an toàn giao thông trong quá trình lưu thông.
Đi kèm với quy định, chúng ta phải có phương tiện và công cụ để thực hiện, nếu không sẽ gây bất công và phản ứng trong xã hội. Mặt khác, chúng ta cũng phải có công cụ kiểm soát, xác định ranh giới cụ thể giữa ranh giới nội đô và ngoại đô, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội).
Có lộ trình phù hợp
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội): Thông thường, việc đánh vào kinh tế sẽ mang lại hiệu quả tức thì. Thực tiễn, tại Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định xử phạt nồng độ cồn đã cho thấy hiệu quả mang lại. Tương tự, với nhiều nghị định khác về xử phạt giao thông, việc tăng xử phạt có tác dụng rõ rệt, ngay lập tức.
Việc đánh vào túi tiền, tăng mức xử phạt luôn tạo hiệu quả tức thì nhưng cũng cần tính toán sao cho phù hợp với thu nhập bình quân của chúng ta. Nhiều người dân ở vùng nông thôn, vùng miền núi còn nhiều khó khăn.
Tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần (Bắc Giang) đề nghị bỏ quy định riêng đối với địa bàn thành phố Hà Nội, bởi nội dung này đã được điều chỉnh tại Luật Thủ đô năm 2024.
Đối với khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, bà Ngần đề nghị quy định theo hướng mức phạt do HĐND quyết định nhưng không quá 2 lần mức phạt chung đối với cùng hành vi vi phạm tương ứng, để bảo đảm tính thống nhất, thuận lợi trong tổ chức triển khai.