Hải Lăng nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hải Lăng đã đoàn kết một lòng, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận.
![Trường Mầm non Hải Khê đã được xây dựng khang trang - Ảnh: Đ.T](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_450_51435666/5b6f2b22106cf932a07d.jpg)
Trường Mầm non Hải Khê đã được xây dựng khang trang - Ảnh: Đ.T
Hơn 13 năm trước, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện Hải Lăng còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt số tiêu chí ban đầu đạt khá thấp, bình quân chỉ đạt 5,05 tiêu chí/xã; xã đạt cao nhất là 8 tiêu chí (xã Hải Thượng). Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Nhận thức của cán bộ và người dân trong huyện về chương trình xây dựng NTM chưa đầy đủ.
Để chương trình xây dựng NTM ở Hải Lăng được triển khai thuận lợi, bộ máy chỉ đạo chương trình xây dựng NTM các cấp trong huyện được thành lập, kiện toàn theo quy định, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình tại địa phương. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng và bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Việc tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh; niêm yết công khai văn bản tại nhà văn hóa xã, thôn; tổ chức lễ phát động phong trào thi đua, các hội thi, hội diễn, sân khấu hóa về xây dựng NTM; lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội; tuyên truyền bằng hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, biểu ngữ; tổ chức các hội thi xây dựng NTM; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Hải Lăng chung sức xây dựng NTM”, thực hiện công tác “chỉnh trang nông thôn”, “Ngày NTM”, xây dựng các tuyến “đường hoa kiểu mẫu”...
Huyện cũng đã mở 26 lớp tập huấn kiến thức về chương trình xây dựng NTM cho 1.560 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và cán bộ thôn tham gia; cấp phát hơn 2.000 bộ tài liệu về chương trình xây dựng NTM do cấp trên biên soạn cho các đối tượng được tập huấn; tổ chức nhiều đoàn tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh phía Nam để học tập những mô hình hay, cách làm sáng tạo của các địa phương...
Nhờ vậy, những nội dung về chương trình xây dựng NTM đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm rõ; nhận thức về chương trình xây dựng NTM được nâng lên, tạo sự đồng thuận trong xã hội cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM.
Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình xây dựng NTM, cùng với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình, góp công, góp sức của Nhân dân, huyện Hải Lăng đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Qua đó, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã được thể hiện rõ nét.
Người dân tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động để xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, trường học, trạm cấp nước, trồng cây xanh (226,449 km đường xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn/324,205 km tổng số đường các loại, đạt 69,8%), lắp đèn chiếu sáng các tuyến đường nông thôn (186,54/228,39 km, đạt tỉ lệ 81,7%)...Việc huy động nguồn lực trong Nhân dân đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch, với tinh thần tự nguyện, không huy động quá sức đóng góp của Nhân dân.
Đến nay, toàn huyện có 15/15 xã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn xã NTM; 3/15 xã (Hải Thượng, Hải Phú, Hải Hưng) được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thị trấn Diên Sanh được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện đạt 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng huyện NTM.
Đặc biệt, có 19.013/19.094 ý kiến hài lòng (99,58%) của người dân về kết quả xây dựng huyện NTM và mong muốn cấp trên sớm xem xét, công nhận huyện NTM. Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, làm nền tảng để huyện Hải Lăng tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Quảng Trị trước năm 2030 và thị xã đến năm 2040.
Đánh giá về sự đổi thay diện mạo nông thôn và hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, sau hơn 13 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay 100% trục đường xã, đường thôn được đầu tư, nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng. Hạ tầng thủy lợi được tăng cường; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt trên 90%.
100 xã có hệ thống điện lưới quốc gia với 100% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Cơ sở hạ tầng y tế được đầu tư, hoàn thiện từ huyện đến xã. 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cơ sở vật chất trường lớp, phòng chức năng, trang thiết bị giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu dạy và học. 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa cộng đồng.
Điểm nổi bật ở Hải Lăng đó là cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn đã có chuyển dịch tích cực. Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đến hết năm 2024 đạt 12,3%. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Giá trị sản xuất nông nghiệp/ha đất canh tác đạt 126 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 9 vạn tấn. Hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của địa phương, vùng, miền, dần đáp ứng nhu cầu của thị trường như vùng sản xuất cây lấy gỗ nguyên liệu, cây màu, lúa, vùng trồng chuyên canh cây ăn quả...
Hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao như mô hình lúa hữu cơ, VietGAP, lúa chất lượng cao, mô hình rừng gỗ lớn FSC, các mô hình chăn nuôi lợn, bò, cá chình...Huyện Hải Lăng nằm trong quy hoạch vùng lõi xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với diện tích 9.167 ha /23.792 ha, có dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (giai đoạn 1), dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1). Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế của huyện trong những năm tới.
Quá trình xây dựng NTM còn tạo ra động lực, thuận lợi cho việc phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Cảnh quan môi trường nông thôn sáng- xanh sạch- đẹp. Đời sống người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 74,5 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,19%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được xây dựng vững mạnh toàn diện. Các mục tiêu, chỉ tiêu về chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện được thực hiện đúng định hướng, đạt kết quả tích cực, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững của huyện trong giai đoạn mới.