Hai làng nghề đầu tiên gia nhập mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu
Gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là hai làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn cầu.
![Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc đã chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn cầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51439277/b052fdbec9f020ae79e1.jpg)
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc đã chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn cầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tổ chức Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu và trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô năm 2025 vào ngày 14-16/2 tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội.
Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 337 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được Ủy banNhân dân Thành phố Hà Nội công nhận. Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề Hà Nội vẫn giữ được nét đặc trưng riêng có. Các làng nghề dần khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Một số làng nghề trở thành điểm du lịch tham quan hấp dẫn.
![Nghệ nhân Phạm Thị Minh Châu chăm chút tỉ mỉ cho sản phẩm gốm Bát Tràng. (Ảnh: PV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51439277/e2f7ac1b9855710b2844.jpg)
Nghệ nhân Phạm Thị Minh Châu chăm chút tỉ mỉ cho sản phẩm gốm Bát Tràng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiêu biểu nhất là làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm cách đây hơn 500 năm, các nghệ nhân gốm với bề dày kinh nghiệm, sự sáng tạo đã khôi phục được các mẫu gốm từ thời xa xưa như thời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc... Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác đã mang đến sự hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc của gốm, là nơi giao thoa nghề gốm truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Những sản phẩm gốm sứ không chỉ tinh tế về hình thức mà còn đa dạng về mẫu mã, từ đó ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh sản phẩm gốm sứ bát tràng thì sự mềm mại của những tấm lụa Vạn Phúc lâu nay vẫn là niềm tự hào của người dân Hà Nội, bởi đây chính là biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế.
Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từ bao đời nay, chân truyền qua các thế hệ nghệ nhân làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, với những tấm lụa không chỉ đẹp về màu sắc mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Làng nghề dệt Lụa Vạn Phúc đã và đang trở thành điểm du lịch, tham quan nổi tiếng của Thủ đô để du khách khám phá, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của cha ông ta.
Tháng 11/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao ký kết biên bản ghi nhớ với Hội đồng Thủ công Thế giới. Từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chủ động tham mưu triển khai việc phối hợp với Hội đồng Thủ công Thế giới hoàn thiện hồ sơ để công nhận 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn cầu.
![Nghệ nhân của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51439277/96b0de5cea12034c5a03.jpg)
Nghệ nhân của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Với sự phối hợp của Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và sự vào cuộc của các địa phương và hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ nhân của 2 làng nghề, cả 2 làng nghề đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên 4 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, và môi trường.
Bộ tiêu chí này nhấn mạnh sự công nhận toàn cầu, đổi mới địa phương, cơ hội hợp tác và các yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Các làng nghề cũng đã và đang thể hiện khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để từ đó làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật của mình. Làng nghề còn có nhiều nghệ nhân làm việc với lòng đam mê, truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, để không chỉ giữ gìn mà còn phát triển văn hóa truyền thống của mình. Cuối cùng, tiêu chí về yếu tố cộng đồng là không thể thiếu.
Đáp ứng và vượt qua được những tiêu chí này đã mở đường cho các làng nghề của Việt Nam, trong đó có Bát Tràng và Vạn Phúc, gia nhập mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Đoàn giám khảo quốc tế đã có chuyến khảo sát và thẩm định tại các làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc vào tháng 10/2024 và đánh giá cao những kết quả đạt được của làng nghề và các nghệ nhân.
Tiếp nối thành công của làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc, trong năm 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu được Hội đồng Thủ công Thế giới xem xét công nhận ít nhất thêm 2 làng nghề và tổ chức thành công Hội nghị thường niên của Hội đồng Thủ công Thế giới tại Hà Nội./.
Hội đồng Thủ công Thế giới được thành lập từ năm 1964 với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống. Hội đồng Thủ công Thế giới quản lý 5 Hội đồng thủ công thành viên gồm: Hội đồng Thủ công khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng thủ công châu Âu, Hội đồng thủ công châu Phi, Hội đồng thủ công Bắc Mỹ và Hội đồng thủ công Nam Mỹ với hơn 100 quốc gia thành viên.