Hải Lăng chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP

Với lợi thế tài nguyên phong phú và bề dày văn hóa, huyện Hải Lăng đang đẩy mạnh chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn. Những sản phẩm đặc trưng như gạo hữu cơ, nước mắm truyền thống hay bánh lọc đặc sản không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa và lan tỏa thương hiệu địa phương.

Sản xuất bánh lọc tại cơ sở bánh lọc Huệ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng - Ảnh: L.A

Sản xuất bánh lọc tại cơ sở bánh lọc Huệ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng - Ảnh: L.A

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể để vừa nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm đã có, vừa tiếp tục phát triển các sản phẩm mới. Tổ chức nghiên cứu, rà soát quỹ đất, điều kiện canh tác thổ nhưỡng, hạ tầng kỹ thuật, từ đó định hướng rõ quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực cho các địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện cho cán bộ, Nhân dân và các chủ thể sản xuất hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình OCOP. Nhờ vậy đến nay, toàn huyện đã có 24 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao.

Có thể kể đến là sản phẩm bánh lọc Huệ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2021. Chị Nguyễn Thị Huệ, cơ sở bánh lọc Huệ cho biết, từ xa xưa, nhắc đến địa danh làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, người ta thường nhớ đến món bánh dân dã, không cầu kỳ nhưng đã một lần thưởng thức sẽkhông quên, đó là bánh lọc Mỹ Chánh.

Bánh được làm từ tinh bột sắn, nhân là các sản vật sẵn có của quê hương gồm tôm, thịt lợn, được gói bằng lá chuối xanh và bí quyết gia truyền trong từng công đoạn chế biến đã tạo nên chiếc bánh lọc nhỏ nhắn, thân thiện, có đặc trưng riêng về hương vị mà người tiêu dùng khó quên khi đã thưởng thức.

Thấy được giá trị kinh tế khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, với mong muốn đưa đặc sản quê hương Mỹ Chánh có chỗ đứng vững chắc lâu dài trên thị trường, được sự hỗ trợ, tư vấn của huyện Hải Lăng, cơ sở đã đầu tư xây dựng thương hiệu “Bánh lọc Huệ” với đầy đủ các quy trình từ khâu đăng ký thương hiệu đến kiểm nghiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Áp dụng máy móc hiện đại vào làm bánh như: máy hú t chân không, nồi hấp bánh công nghiệp, máy nghiền bột... Bánh lọc sản xuất ra sẽđược hút chân không đóng gói với đầy đủ tem, nhãn mác, hạn sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đầy đủ. Bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 2.000 - 5.000 cái bánh lọc; riêng vào dịp tết Nguyên đán, số lượng bánh lọc do cơ sở sản xuất tăng lên đến 10.000 - 15.000 cái mỗi ngày.

“Từ khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm bánh lọc của cơ sở đã được tham gia nhiều hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài địa phương, được đông đảo khách hàng biết đến và tiêu dùng”, chị Huệ cho hay.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẩm cho biết, thời gian qua, huyện đã tập trung nguồn lực, động viên các chủ thể, hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX) chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, trong năm 2024 đã hỗ trợ cho 2 chủ thể tham gia sản phẩm OCOP với tổng mức hỗ trợ là hơn 100 triệu đồng. Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2024 cho 6 sản phẩm gồm: mướp đắng sấy lạnh, ném sấy lạnh của HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông sản Thuần Việt; cam Quảng Lâm của Tổ hợp tác trồng cây ăn quả có múi Xuân Lâm; hạt sen tươi, hạt sen khô của Tổ hợp tác sen Hải Hưng; chuối sấy dẻo của Công ty TNHH Sukha. Đánh giá công nhận lại 5 sản phẩm gồm: bánh tét mặt trăng Đại An Khê; bánh lọc Huệ Hải Chánh; ném củ Hải Dương; nước súc miệng của Công ty TNHH tinh dầu tràm Bảo Ngọc.

Theo ông Trẩm, để hoàn thành mục tiêu phát triển hài hòa giữa lượng và chất trong xây dựng sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện Hải Lăng tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của huyện. Vận động các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao.

Tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc; phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Ưu tiên huy động nguồn lực về vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ của chủ thể OCOP; hỗ trợ chủ thể OCOP tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng thông qua các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ riêng của từng địa phương.

Tăng cường kêu gọi các tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực về chuyển đổi số, thúc đẩy cơ giới hóa trong phát triển sản phẩm OCOP, phát triển OCOP xanh theo hướng xuất khẩu, gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.

Đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hai-lang-chu-trong-xay-dung-san-pham-ocop-191236.htm
Zalo