Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra tại thời điểm này có phần tích cực, tươi sáng hơn dự báo 3 tháng trước đó. Dù vậy, thách thức, rủi ro vẫn nằm ở phía trước, một phần do Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc hơn vào các doanh nghiệp FDI...

Bức tranh kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm, cũng như dự báo tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm vừa được đưa ra thảo luận trong cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR, thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hôm nay, 15-10.

 Toàn cảnh tọa đàm ngày 15-10. Ảnh: MINH TRÚC

Toàn cảnh tọa đàm ngày 15-10. Ảnh: MINH TRÚC

Hai kịch bản tăng trưởng

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, Phó Viện trưởng Nguyễn Quốc Việt dẫn số liệu thống kê, theo đó kết thúc quý 3, kinh tế cả nước đã có sự phục hồi đáng kể. GDP 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng ấn tượng, đạt 6,82%, cao hơn 1,5 lần so với mức 4,4% của cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo.

Diễn biến đó đặt trong triển vọng tăng trưởng toàn cầu vào cuối năm 2024 và năm 2025 khá tích cực. Dòng vốn FDI và du lịch phục hồi mạnh mẽ trở thành những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm, thấp hơn nhiều so với mức trần của NHNN.

Dù vẫn thấp hơn nền trung bình những năm trước đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng đã phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào tăng trưởng và đầu tư. NHNN tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt và can thiệp thanh khoản đã giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp quá nhiều vào lãi suất điều chỉnh.

Trong bức tranh ấy, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, nhưng chi tiêu công thì vẫn còn rất kém, đến mức thay vì tăng trưởng thì lại giảm so với cùng kỳ 2023. Dù vậy, diễn biến này lại góp phần làm tăng thặng dư ngân sách. Cũng có nghĩa là Chính phủ có thêm dư địa tài khóa để có thể cân nhắc triển khai các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngành chịu ảnh hưởng từ siêu bão số 3 Yagi.

Khác với thị trường xuất khẩu, tiêu dùng trong nước vẫn chưa quay lại mức trước đại dịch, trong khi áp lực lạm phát nửa đầu năm 2024 đang phần nào kìm hãm đà tăng trưởng của vốn đầu tư.

Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen như vậy, VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2024.

Ở kịch bản cao, GDP quý IV dự kiến sẽ giữ đà tăng trưởng ở mức 7,4%, giúp cả năm đạt mục tiêu 7% như Chính phủ đề ra. Trong kịch bản thấp, GDP quý 4 có thể giảm xuống dưới 7%, và tăng trưởng cả năm sẽ dao động quanh mức 6,84%.

Cả hai kịch bản tăng trưởng kinh tế được VEPR đưa ra ở thời điểm này có phần tích cực hơn hai kịch bản tăng trưởng mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM, thuộc Bộ KH&ĐT) dự báo hồi tháng 7.

Theo đó, kịch bản cao, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,95%; CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỉ USD. Còn kịch bản thấp, tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,55%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI tăng 4,31%; cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỉ USD.

Triển vọng và thách thức

Theo đánh giá của VEPR, dù nền kinh tế 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng thì rủi ro và thách thức 3 tháng cuối năm vẫn không thể xem nhẹ, nhất là khi chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Còn tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng. Nhìn xa hơn, xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm.

Trao đổi tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế cấp cao Phạm Chi Lan cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đã khá hơn nhiều so với dự báo trước đó, nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn là vấn đề lớn của nền kinh tế.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: MINH TRÚC

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: MINH TRÚC

Đó là cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có chuyển biến tích cực, mà thậm chí còn ngày càng lệ thuộc vào FDI và thị trường bên ngoài. Biểu hiện là tăng trưởng trong quý III vẫn dựa vào xuất khẩu và doanh nghiệp FDI.

Khoảng cách giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa tiếp tục gia tăng tạo ra cái mà nhiều người quan ngại gần đây là hai nền kinh tế song song tồn tại.

Công nghiệp hỗ trợ trong nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa kém phát triển đang cản trở nỗ lực của quốc gia vươn lên vị trí cao hơn trong bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu.

Môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.

Đây là những yếu tố mà Đảng, Nhà nước cần quyết liệt tháo gỡ nếu muốn đạt các chỉ tiêu phát triển mà Đại hội XIII đã đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2026.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/hai-kich-ban-tang-truong-kinh-te-3-thang-cuoi-nam-post815011.html
Zalo