VIDEO: Phương tiện cắt mặt dòng phương tiện để đi xuống hầm chui Thanh Xuân.
Từ tháng 7/2023, cơ quan chức năng đã lắp đặt kéo dài thêm rào chắn tại lối xuống hầm chui Thanh Xuân để phân luồng giao thông từ Nguyễn Tuân không rẽ cắt mặt dòng phương tiện xuống hầm chui.
Đây là một trong nút giao thông nóng của Thủ đô, thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Hàng ngày, các phương tiện vẫn đi thẳng từ Nguyễn Tuân cắt mặt các phương tiện, băng qua nhiều làn xe trên đường Nguyễn Trãi khi đi xuống hầm chui, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn.
Theo người dân xung quanh cho biết, tại vị trí này thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giao thông, các phương tiện đi trên đường Nguyễn Trãi thường xuyên phải phanh gấp, đứng lại nhường đường cho các phương tiện băng qua đường.
"Đi xuống hầm Thanh Xuân sẽ đi nhanh hơn tiện hơn nên một số người dân cứ đi thôi, đặc biệt vào giờ cao điểm vào buổi sáng và buổi chiều, đường bên trên hay tắc và còn phải chờ đèn xanh đèn đỏ. Nhưng lúc đường vắng thì hay xảy ra va chạm hơn vì các phương tiện đều đi nhanh", anh Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Hiện không có biển cấm đi thẳng từ Nguyễn Tuân vào lối xuống hầm chui Thanh Xuân mà chỉ có biển báo nguy hiểm ở nút giao này.
Ghi nhận của PV, việc các phương tiện giao thông băng qua đường, cắt mặt các phương tiện trên đường Nguyễn Trãi xuống hầm chui Thanh Xuân diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi các phương tiện lưu thông ở tốc độ cao.
Không chỉ xe máy, các phương tiện ô tô, xe khách lớn thường xuyên băng cắt qua nhiều làn xe để đi xuống hầm chui Thanh Xuân.
Việc các phương tiện băng cắt qua đường khiến giao thông trở nên lộn xộn, dễ ùn tắc.
Thậm chí, nhiều phương tiện xe máy bất chấp đi ngược chiều.
Một phương tiện tạt qua nhiều đầu ô tô, xe máy để đi xuống hầm.
Va chạm giao thông luôn "rình rập" tại nút giao thông này.
Một tài xế xe ôm công nghệ loay hoay giữa các làn xe ô tô.
Bản đồ nút giao thông đường Nguyễn Tuân - hầm chui Thanh Xuân (Ảnh: Google Maps).
Duy Phạm