Hải Dương thông qua chủ trương quy hoạch phân khu 3 khu công nghiệp

Tại Kỳ họp thứ 24 diễn ra sáng 12/8, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII đã thông qua 20 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết về quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp ở các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc và Cẩm Giàng.

Cụ thể, Nghị quyết về Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỷ lệ 1/2000; Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỷ lệ 1/2000; Thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Tân Trường mở rộng, huyện Cẩm Giàng, tỷ lệ 1/2.000.

Trước đó, theo tờ trình của UBND tỉnh Hải Dương đề nghị HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hoàng Diệu tỷ lệ 1/2000, khu vực nghiên cứu quy hoạch phân khu thuộc địa giới hành chính thị trấn Gia Lộc và các xã Hoàng Diệu, Gia Khánh, Hồng Hưng (huyện Gia Lộc). Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng hơn 258 ha, diện tích lập quy hoạch khoảng 250 ha, dự báo quy mô lao động khoảng 11.500 người.

Tờ trình nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hưng Đạo tỷ lệ 1/2.000, khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm ở các xã Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Tái Sơn và Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ). Trong đó, diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 212,8 ha, diện tích lập quy hoạch khoảng 200 ha, dự báo quy mô lao động khoảng 10.000 người.

Tờ trình đề nghị thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Tân Trường mở rộng tỷ lệ 1/2.000, khu đất nghiên cứu quy hoạch thuộc địa bàn xã Tân Trường và xã Định Sơn (huyện Cẩm Giàng). Không gian khu công nghiệp được tổ chức thành 5 khu chức năng chính, gồm khu dịch vụ điều hành cao tối đa 5 tầng; khu vực nhà máy, kho tàng cao tối đa 3 tầng; khu dịch vụ tiện ích công cộng cao tối đa 8 tầng (đều không bao gồm tầng tum, tầng hầm); khu vực hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe và khu vực đất cây xanh, mặt nước.

Đây là các khu công nghiệp tập trung, đa ngành, thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thu hút các ngành nghề theo lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh. Các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hiện đại, có hệ thống công trình xã hội công cộng tiện ích phục vụ cho công nhân, người lao động.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã thành lập 17 khu công nghiệp với quy mô 2.738 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 57%. Ảnh minh họa.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã thành lập 17 khu công nghiệp với quy mô 2.738 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 57%. Ảnh minh họa.

Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 là 32 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.661 ha. Đến nay, tỉnh đã thành lập 17 khu công nghiệp với quy mô 2.738 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 57%; 12 khu công nghiệp đang vận hành, khai thác kinh doanh, thu hút 394 dự án thứ cấp. 6 khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật.

Tại phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 3) chiều 8/8 mới đây, ông Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết, tháo gỡ. Đó là điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng và hạ tầng cấp điện, nước thải, nước sạch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề xuất tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp. Việc triển khai giải phóng mặt bằng phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình kiểm đếm, xem xét phương án bồi thường phải bảo đảm quyền lợi của người dân ở mức cao nhất theo quy định hiện hành. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức chấp hành giao đất vì mục tiêu chung. Trường hợp thực hiện đầy đủ các bước mà người dân vẫn không chấp hành thì triển khai phương án cưỡng chế kiểm đếm, thu hồi đất.

Đối với khu công nghiệp nằm trong quy hoạch, đã bố trí chỉ tiêu đất đai trong giai đoạn 2026 - 2030, ông Lưu Văn Bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và UBND cấp huyện chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhiệm vụ, đồ án quy hoạch để triển khai đầu tư xây dựng…

Thanh Hòa

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hai-duong-thong-qua-chu-truong-quy-hoach-phan-khu-3-khu-cong-nghiep-32313.html
Zalo