Hải Dương tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3
Các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Hải Dương đang nỗ lực ở mức cao nhất trong khắc phục hậu quả của bão số 3 để ổn định sản xuất, sớm trở lại lại cuộc sống bình thường.
Bão số 3 đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương từ trưa 7/9 đến 22 giờ cùng ngày, gây mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, gió bão mạnh cấp 12, giật cấp 13.
Tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 6/9 đến 19 giờ ngày 7/9 phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Bão số 3 đã gây ra không ít thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông.
Về sản xuất nông nghiệp: Có khoảng 10.000ha lúa bị đổ; khoảng 1.600ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600ha cây ăn quả gãy, đổ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng.
Về các công trình cơ sở hạ tầng: Nhiều nhà mái tôn, nhà mái tạm, cửa kính trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, hàng nghìn cây bóng mát bị đổ, gẫy gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông.
Hệ thống điện, viễn thông: có 26 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng trong chiều tối và đêm 7/9. Do đứt cáp quang, 5 trạm BTS bị đổ nên 3 nhà mạng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, mất liên lạc.
Các sự cố công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai: Do ảnh hưởng của mưa bão kết hợp với hồ thủy điện Hòa Bình đang xả lũ, và mưa to, gió lớn trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số vị trí sạt lở kè, bãi sông và một số tuyến kênh trục. Có 1 người chết do cây đổ và 5 người bị thương.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trên địa bàn, yêu cầu:
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả các thiệt hại liên quan đến ngành, lĩnh vực; phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã trong việc triển khai khắc phục hậu quả sau bão.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải: Thực hiện đánh giá mức độ thiệt hại đối với các công trình đường giao thông, chủ động sửa chữa bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông được thông suốt; hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã bảo đảm kết nối giao thông giữa các địa phương.
Đối với lĩnh vực xây dựng: Tổ chức đánh giá mức độ ảnh hưởng về độ an toàn và công năng sử dụng đối với các các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau bão; cùng với các địa phương rà soát hệ thống cây xanh bị thiệt hại, có phương án trồng thay thế, bổ sung;
Các sở, ban, ngành căn cứ vai trò, nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh khắc phục sự cố sau cơn bão số 3 sớm nhất, nhất là dự báo và xây dựng kế hoạch ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn sau cơn bão. Rà soát, phòng ngừa dịch bệnh về người, gia súc, gia cầm có thể xảy ra, bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường.
Theo công ty Điện lực Hải Dương, đến sáng sớm 8/9 đã khôi phục 19/23 trạm 110kV gặp sự cố. Tuy nhiên về lưới điện trung, hạ áp thống kê sơ bộ hơn 800 cột gặp sự cố, rất nhiều đoạn tuyến dây bị đứt; mới cấp điện được khoảng 20.000 khách hàng, 649.000 khách hàng đang bị ảnh hưởng, chờ khắc phục.
Với điều kiện thời tiết và nhân lực hiện tại, trong ngày 8/9, ngành điện của tỉnh sẽ khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện cho các hệ thống chính, nhất là cấp điện cho các trạm bơm; việc khắc phục để cấp điện sinh hoạt cho người dân sẽ đạt khoảng 70%.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, sáng 8/9, các nhà mạng Vinaphone và MobiFone đã hoàn thành phối hợp triển khai dịch vụ roaming miễn phí. Nhà mạng Viettel đã chia sẻ mạng lưới với các nhà mạng khác. Thuê bao các nhà mạng khác có thể sử dụng sóng Viettel và ngược lại.
Sáng 8/9, người dân khắp các địa phương trong tỉnh Hải Dương khẩn trương bắt tay dọn dẹp cây xanh gãy đổ, giải tỏa các tuyến đường giao thông. Dù trời mưa to, bà con nông dân Hải Dương vẫn tranh thủ ra đồng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.