Hải Dương phòng chống úng từ kinh nghiệm ứng phó bão số 3

Năm nay, công tác phòng chống úng ở Hải Dương được triển khai dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn được rút ra từ bão số 3 (bão Yagi) xảy ra năm ngoái.

Các Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện đã cơ bản sửa chữa xong các máy bơm phục vụ chống úng

Các Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện đã cơ bản sửa chữa xong các máy bơm phục vụ chống úng

Sớm hoàn thành các phương án

2.136 ngôi nhà bị ngập nước, 359 gia đình phải di dời khẩn cấp, 943 ha lúa, 3.153 ha rau màu các loại và 4.105 ha cây ăn quả bị thiệt hại, trên 389.000 con gia súc, gia cầm bị chết, 340 ha ao nuôi thủy sản bị mất trắng... Đó là những thiệt hại do tình trạng ngập lụt gây ra tại Hải Dương sau cơn bão số 3 xảy ra hồi tháng 9/2024. Hàng chục năm đã qua, Hải Dương mới lại đón một siêu bão, sau đó là tổ hợp mưa, lũ gây ngập úng kéo dài và thiệt hại nhiều đến thế.

Một số khu vực dân cư và nhiều diện tích sản xuất ở Hải Dương bị ngập úng nặng do mưa, lũ sau bão số 3 (ảnh tư liệu)

Một số khu vực dân cư và nhiều diện tích sản xuất ở Hải Dương bị ngập úng nặng do mưa, lũ sau bão số 3 (ảnh tư liệu)

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Nguyễn Thị Tú đánh giá: "Trận bão, lũ năm ngoái đã giúp chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Năm nay, kế hoạch phòng chống úng và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được triển khai sớm hơn mọi năm. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện đã hoàn thành xây dựng các phương án chống úng gắn với những bài học kinh nghiệm được rút ra sau bão số 3".

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng đã xác định được 2 vùng trọng điểm chống úng. Vùng 1 là phía đông bắc huyện, gồm các xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ, Định Sơn, Thạch Lỗi. Vùng 2 là phía tây nam huyện, gồm các xã Phúc Điền, Lương Điền, Cẩm Hưng. Đây là những vùng có cốt đất thấp, từng bị ngập úng nặng sau bão số 3.

Xí nghiệp đã hoàn thành việc sửa chữa và vận hành thử các máy bơm tại 2 trạm bơm Văn Thai (xã Cẩm Văn) và Tiên Kiều (xã Đức Chính). Đây là 2 trạm bơm có năng lực tiêu úng lớn nhất vùng đông bắc huyện với tổng công suất 128.000 m3/giờ, tiêu úng cho khoảng 4.500 - 4.600 ha. Phần lớn các trạm bơm tiêu úng phía tây nam của huyện cũng đã được tu sửa xong.

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư dự phòng chống úng

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư dự phòng chống úng

Rút kinh nghiệm từ bão số 3, năm nay Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tứ Kỳ sớm khoanh được các vùng trọng điểm phòng chống úng với tổng diện tích khoảng 2.500 ha. Trên cơ sở đó, xí nghiệp đã khẩn trương bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành chạy thử tại tất cả các trạm bơm tiêu úng và tưới tiêu kết hợp. Đơn vị chủ động vớt bèo khơi thông dòng chảy tại tất cả các tuyến kênh do đơn vị quản lý; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư dự phòng cần thiết để chống úng.

Nhiều phần việc đã được các Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện hoàn thành từ sớm như: tổng kiểm tra hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện, vật tư, chuẩn bị nhân lực phòng chống úng. 60 công trình trụ sở, nhà quản lý, nhà trạm bị hư hỏng, 10 tuyến kênh bị đổ, 116 máy bơm tiêu các loại, các cánh cống, dàn van, máy đóng mở, bể xả bị hư hỏng, xuống cấp... do bão số 3 đã được sửa chữa xong. Cơ bản các tuyến kênh do các xí nghiệp quản lý đã bảo đảm thông thoáng.

Mục tiêu trong công tác phòng chống úng ở Hải Dương năm nay là phải bảo đảm tưới, cấp nước bình thường cho 50.438 ha lúa mùa, 25.901 ha mạ, cây rau màu, 9.852 ha nuôi thủy sản; đồng thời, chủ động phòng chống úng, tiêu thoát nước cho các loại cây trồng và 42.558 ha tiêu khu vực nông thôn và đô thị (trừ vùng nội thị).

Hầu hết các tuyến kênh tiêu do các Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện quản lý đã thông thoáng

Hầu hết các tuyến kênh tiêu do các Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện quản lý đã thông thoáng

Các xí nghiệp đã xác định rõ những vùng trọng điểm cần chống úng, xây dựng kế hoạch, phương án điều hành chống úng chi tiết.

Vùng nào, nơi nào không tiêu tự chảy được sẽ vận hành các trạm bơm điện để bơm tiêu úng. Quá trình tiêu úng kết hợp tốt các phương châm "chôn nước", "rải nước", tháo nước, bảo đảm tiêu nước đạt hiệu quả cao nhất.

Cần sự phối hợp từ các địa phương

Người dân cùng các lực lượng xung kích ở huyện Cẩm Giàng tham gia xử lý một sự cố tràn bờ kênh thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải sau bão số 3 (ảnh tư liệu cơ sở cung cấp)

Người dân cùng các lực lượng xung kích ở huyện Cẩm Giàng tham gia xử lý một sự cố tràn bờ kênh thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải sau bão số 3 (ảnh tư liệu cơ sở cung cấp)

Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Cẩm Giàng Bùi Quang Bắc cho biết trước, trong và sau bão số 3, các xã, thị trấn trong huyện đã huy động được nhiều nguồn lực từ nhân dân, chuẩn bị đầy đủ các vật tư như đất, đá, cọc tre, bao tải, hợp đồng thuê ô tô, máy xúc... để tham gia phòng chống ngập úng rất hiệu quả.

Tại nhiều nơi, ngoài lực lượng xung kích, các địa phương đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia chống úng. Người dân xã này thậm chí sang cả những xã lân cận hỗ trợ khắc phục sự cố.

"Chúng tôi đã đề nghị chính quyền cấp xã trong huyện tiếp tục phối hợp tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân thấy được nhiệm vụ phòng chống thiên tai là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn dân chứ không chỉ riêng của ngành thủy lợi. Từ đó sẵn sàng, nhiệt tình tham gia chống úng khi được huy động trong mùa mưa bão", ông Bắc nhấn mạnh.

Rác thải ứ đọng tại một tuyến kênh nội đồng ở huyện Gia Lộc

Rác thải ứ đọng tại một tuyến kênh nội đồng ở huyện Gia Lộc

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng những tuyến kênh nội đồng do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cấp xã quản lý bị bồi lắng, ách tắc do bèo tây, cỏ dại, rác thải phát triển còn nhiều. UBND các xã, thị trấn cần huy động nhân dân sớm tổ chức ra quân khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh này nhằm tạo thuận lợi cho công tác tiêu úng trong trường hợp mưa bão xảy ra.

Lãnh đạo một số Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện đề nghị Nhà nước quan tâm tu bổ những đoạn kênh thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải còn thấp, bị sạt lở sau bão số 3 để bảo đảm khi có lũ lớn, nước không tràn vào đồng gây áp lực cho công tác tiêu úng.

Hải Dương có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 105.283 ha. Toàn tỉnh có 41.035 ha đất trũng, triều bãi hay bị úng, ngập.

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-phong-chong-ung-tu-kinh-nghiem-ung-pho-bao-so-3-411856.html
Zalo