Hải Dương phát lệnh báo động 2 trên hệ thống sông Thái Bình
Sáng 10/9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương ban hành Công điện hỏa tốc về việc phát lệnh báo động 2 trên hệ thống sông Thái Bình.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, hiện hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy, hồ thủy điện Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy. Mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại lúc 6h ngày 10/9 là 5,02 m, cao hơn 0,02 m so với mức báo động 2.
Từ ngày 9 đến 11/9, trên các sông khu vực thượng lưu tỉnh Hải Dương sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ từ 1 - 3 m. Mực nước trên sông Thái Bình sẽ tiếp tục vượt báo động 2 và có thể tiếp tục lên.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động số 2 trên sông Thái Bình, từ 7h ngày 10/9/2024.
Cơ quan này cũng yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành triển khai lực lượng, thực hiện tuần tra canh gác đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu.
UBND các huyện, thành phố, thị xã bằng các biện pháp thông tin thực hiện ngay việc cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh. Di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản khác ngoài bãi sông, trên sông để bảo đảm an toàn, thu hoạch ngay các sản phẩm nông nghiệp ngoài bãi sông đã đến kỳ.
Đối với cá lồng trên sông thu hoạch ngay cá nuôi trên lồng, di chuyển các lồng cá về nơi an toàn (kể cả đưa vào phía trong đồng hoặc đưa lên bờ). Trường hợp không thể di chuyển phải gia cố lồng bè bảo đảm an toàn. Triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài bãi sông, giải tỏa ngay các bến bãi vật liệu xây dựng, kinh doanh than, đóng tàu, các vật cản khác ngoài bãi sông để bảo đảm an toàn, thoát lũ sông.
Đối với các khu dân cư ngoài bãi sông (kể cả trong khu vực các bối), chủ động chuẩn bị sẵn sàng, chi tiết, cụ thể phương án để sơ tán dân đến nơi an toàn khi có lệnh là thực hiện ngay, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chậm trễ dẫn đến thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.
Triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác đê trên các tuyến đê bảo đảm từng vị trí đê đều phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, đặc biệt chú ý các trọng điểm xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các cống qua đê. Rà soát công tác chuẩn vị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “bốn tại chỗ” sẵn sàng xử lý, ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho công trình.
Tổ chức cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện làm nhiệm vụ chống lụt bão trên đê, quản lý chặt chẽ theo quy định. Tổ chức phát quang mái đê, mặt đê để bảo đảm hiệu quả công tác tuần tra canh gác đê, phát hiện các sự cố rò rỉ, hư hỏng. Kiểm tra việc đóng kín các cống dưới đê. Thực hiện nghiêm quy định về đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ.
Tiếp tục triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 năm 2024 gây ra trên địa bàn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương. Tổ chức việc thường trực, trực ban 24/24 giờ, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình không kịp thời phát hiện gây sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Gần 40 trọng điểm đê điều xung yếu
Theo thông tin tại cuộc họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương tối 9/9, trên địa bàn Hải Dương có 38 trọng điểm đê điều xung yếu. Trước tình hình nước sông ngoài dâng cao, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thống nhất chỉ đạo, ngay trong đêm phải giải tỏa toàn bộ các hoạt động ngoài bãi sông, đặc biệt là bãi các sông Thái Bình, Kinh Thầy.
Thông báo đến tất cả các hộ nuôi cá lồng trên sông kịp thời ứng phó và có biện pháp khẩn cấp hỗ trợ người dân bảo vệ an toàn các lồng cá trên sông. Ngay trong đêm, các địa phương họp khẩn xây dựng phương án, kịch bản bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu trong mọi tình huống; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung rà soát, kiểm tra kỹ từng mét đê và thực hiện chế độ canh gác liên tục 24/24; thông tin cảnh báo thường xuyên liên tục về tình hình nước lũ trên các tuyến sông đang lên nhanh và hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Kiểm tra toàn bộ thống đê bối và bờ vùng bắc Hưng Hải để kịp thời có phương án xử lý. UBND tỉnh Hải Dương giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các nhà thầu thi công và địa phương phối hợp chặt chẽ và có biện pháp bảo đảm an toàn các công trình đê, kè, cống mới xây dựng và hoàn thành.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tập trung nhân lực, máy móc sẵn sàng bơm tiêu úng theo phương án và tình huống đặt ra phù hợp với thực tế. Điện lực Hải Dương chủ động cung cấp nguồn điện cho các trạm bơm tiêu úng. Các nhà mạng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu tinh thần chủ động, không chủ quan, lơ là. Ông Lê Ngọc Châu đặc biệt lưu ý vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân phát được đặt lên hàng đầu, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương nắm chắc tình hình, thực hiện ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” tại các khu vực trọng điểm xung yếu về đê điều để sẵn sàng xử lý kịp thời và ứng phó với tình huống xấu có thể phát sinh. Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đối với từng người…
Bảo đảm an toàn cho người dân
Sáng 10/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống lũ tại thành phố Chí Linh và các huyện Nam Sách, Thanh Hà.
Trong quá trình kiểm tra tại một số vị trí đê xung yếu trên sông Thái Bình, sông Kinh Thầy thuộc địa bàn thành phố Chí Linh và huyện Nam Sách, ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai phương án sơ tán người dân tại những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nhất là người già, trẻ em, người yếu thế; di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Các điểm sơ tán phải bảo đảm an toàn, đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết.
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các ngành và địa phương liên quan căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu CTCP Nhiệt điện Phả Lại có phương án xử lý ngay các cửa xả nước của nhà máy bảo đảm an toàn mực nước cho diện tích sản xuất nông nghiệp phía trong đê. Nếu cần thiết phải đóng một số tổ máy để bảo đảm an toàn.
Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, các điểm xung yếu, phân công rõ người, rõ việc kiểm tra từng mét đê; chủ động phát hiện, xử lý những điểm mạch đùn, mạch sùi và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu có sự cố. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương lưu ý các địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo khi có sự cố, tình huống bất thường…