Hải Dương: Nông dân vựa chuối, bưởi ở Kinh Môn 'trắng tay' sau bão

'Chúng tôi mất hết rồi, vụ Tết năm nay trắng tay…' là câu nói của những nông dân tôi gặp khi về thị xã Kinh Môn (Hải Dương) sau khi cơn bão số 3 đã đi qua hơn 10 ngày.

 Chị Nguyễn Thị Điệp, thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận, xót xa nhìn vườn chuối hơn 2.000 gốc đang độ trổ hoa bị tan tác sau bão

Chị Nguyễn Thị Điệp, thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận, xót xa nhìn vườn chuối hơn 2.000 gốc đang độ trổ hoa bị tan tác sau bão

Chuối vừa đến độ trổ hoa, ra buồng thì bị bão quần đổ gục, tả tơi

Thị xã Kinh Môn là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Hải Dương do bão số 3. Nơi đây, nhiều năm qua vốn là "vựa" chuối và hoa màu lớn nhất của tỉnh, nhưng cơn bão đi qua để lại những cánh đồng xơ xác, tiêu điều với những ruộng chuối đổ gục ngang thân. Những ruộng lúa đang kỳ trổ bông được buộc vội để cứu lúa sau khi đổ rạp và ngập úng, kèm theo tiếng máy bơm chạy hết công suất để tiêu nước nội đồng, cứu vớt số hoa màu còn sót lại. Là những gương mặt mỏi mệt, phờ phạc của bà con nông dân mà tôi gặp sau nhiều ngày khắc phục mưa bão trong nỗi lo mất mùa vụ Tết. Cũng là cả năm… trắng tay vụ mùa.

Nước lũ ngập úng ở ngoài bãi trồng hàng nghìn gốc sắn dây hiện đã bị ngâm nước nhiều ngày đã thối rễ ở xã Thượng Quận

Nước lũ ngập úng ở ngoài bãi trồng hàng nghìn gốc sắn dây hiện đã bị ngâm nước nhiều ngày đã thối rễ ở xã Thượng Quận

Khác với một số địa phương, bà con ở những vùng trồng chuối tỉnh Thái Bình còn kịp thu hoạch chuối non để bán được vớt vát sau bão, có thể chế biến thành một số món ăn, mứt chuối hay chuối khô. Còn nông dân ở "vựa chuối" thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lại điêu đứng sau bão, vì người dân ở đây cả năm chỉ trông chờ 1 vụ chuối phục vụ cho mùa Tết.

Chị Nguyễn Thị Điệp, thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận lúi húi dọn dẹp các vật dụng ở căn bếp vừa bị bão thổi bay mái mấy hôm trước. Ngoài sân là xưởng kinh doanh bị đổ sập, ngổn ngang các vật dụng hỗ trợ nông dân trồng rau màu… "Tôi còn mỗi cái nhà để ở thôi. Nhà nào càng làm nhiều, càng mất nhiều. Nhà tôi năm nay đầu tư nhiều, giờ mất hết rồi" - chị Điệp đau xót nói.

Vợ chồng chị Điệp vốn được bà con trong xã nể phục bởi sức trẻ và sự táo bạo trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài xưởng kinh doanh nông cụ, ngày 18/9, vườn chuối với hơn 2.000 gốc và 400 ụ sắn dây nhà chị Điệp vẫn ngập đến ngang đùi, do nước sông tràn từ ngoài đê vào chưa rút hết. "Các ụ sắn dây bị ngâm hơn 1 tuần lễ, nhìn xót ruột, tôi điêu đứng mất ăn mất ngủ, nhưng đến giờ này không thể cứu nổi nữa, các củ sắn dây đều bị thối hết".

"Vựa chuối" vốn là niềm tự hào của người dân thị xã Kinh Môn, giờ xác xơ, đổ gục sau bão

"Vựa chuối" vốn là niềm tự hào của người dân thị xã Kinh Môn, giờ xác xơ, đổ gục sau bão

Chỉ vào vườn chuối xác xơ sau bão, chị Điệp xót xa cho biết: "Cả vườn chuối đều đang vào độ trổ hoa rất đẹp, nếu cứ thuận lợi như mọi năm thì trước Tết khoảng 10 đến 15 ngày là có thể thu hoạch chuối buồng, kiếm cả trăm triệu đồng/vụ. Nay bão quật gãy đổ, cây nào còn trụ được thì lá táp, gốc bị nũng nước, các buồng non đều tự héo rụng sau mấy ngày bão đi qua".

Không chỉ nhà chị Điệp, các hộ trồng chuối, sắn dây ở các xã tại thị xã Kinh Môn đều trong cảnh "trắng tay" sau cơn bão. Từ công người làm, tiền phân bón vay nợ từ đầu năm, đợi thu hoạch xong vụ chuối Tết thì trả. Nay vì thiên tai, tính sơ sơ, nhà chị Điệp mất hơn tỉ đồng sau bão, giờ vợ chồng chị cũng chưa biết phải bắt đầu lại từ đâu?.

Nhặt bưởi rụng, giá nào cũng bán

Ngoài 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Tin, ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận dẫn tôi ra thăm vườn bưởi của gia đình. Bà buồn rầu: "Cả đời tôi giờ mới chứng kiến một cơn bão khủng khiếp đến thế. Tôi già rồi ở 1 mình, con cháu trồng giúp gần 100 gốc bưởi ở vườn, là tài sản duy nhất, nên tôi tập trung chăm chút cả năm. Mọi năm, mỗi vụ Tết tôi đều bán được khoảng 50 triệu đồng. Giờ bị bão quật rụng hết cả. Tết chả còn gì sất cô ạ".

Bà Nguyễn Thị Tin, ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận ngẩn ngơ nhìn vườn bưởi bị rụng hết sau bão, chỉ còn cây xác xơ, trơ trọi cành

Bà Nguyễn Thị Tin, ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận ngẩn ngơ nhìn vườn bưởi bị rụng hết sau bão, chỉ còn cây xác xơ, trơ trọi cành

Bà Tin kể, nhà bà cấp 4, nên trước hôm bão về, bà được con gái đón về nhà xây kiên cố ở gần thôn tránh bão. Ai ngờ sáng hôm sau về nhà, nhìn vườn bưởi khiến bà ngây người: "Cả vườn bưởi sai trĩu quả lúc lỉu mọi hôm, vài tháng nữa vào vụ Tết là thu hoạch được, mà khi ấy quả rụng đầy gốc, lăn lóc khắp vườn, chẳng khác nào nhà bóng mà trẻ con vẫn chơi ở các khu vui chơi…".

Ở cùng thôn Bãi Mạc, chị Nguyễn Thị Tuân tất bật nhặt những quả bưởi còn chưa hỏng, cho người nhà đem đi chợ bán. "Vườn nhà tôi có 200 gốc bưởi bị bão quật rụng hết, các con và hàng xóm giúp tôi nhặt về sân, đem bán giá nào cũng được, 10 nghìn, 5 nghìn hay 2 nghìn đồng/quả cũng bán cho đỡ xót ruột".

Chị Tuân cho biết, mọi năm vụ bưởi Tết chị thường thu được hàng trăm triệu đồng, năm nay ngoài bưởi, chị cũng mất hơn 100 gốc chuối do bão. Chị cười méo mó: "Mấy ngày nay, nước rút bớt, nhà tôi cố bơm tiêu nước nội đồng để cứu những gốc bưởi còn ít quả non, nhưng máy bơm nhỏ cũng không ăn thua gì. Gốc bưởi ngâm nước lâu ngày cũng bị nũng rễ mà chết".

"Lúc nước lũ rút đi, cứ ngỡ cá ở ao nhà dẫu gì cũng còn 1 ít. Vậy mà, cách đây 3 ngày, cá chết nổi đầy mặt ao, do nước ao đục ngầu vì bùn đất và mùi hôi thối của xác thực vật, động vật đọng lại, nhà tôi đành phải đào hố vớt hết số cá chết đem chôn" – chị Tuân chia sẻ thêm.

Chị Nguyễn Thị Tuân cho biết: Mấy ngày nay, chị thuê người chở ngày 2 chuyến, mỗi chuyến khoảng hơn 100 quả đem ra chợ, ai mua giá nào cũng bán

Chị Nguyễn Thị Tuân cho biết: Mấy ngày nay, chị thuê người chở ngày 2 chuyến, mỗi chuyến khoảng hơn 100 quả đem ra chợ, ai mua giá nào cũng bán

Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn cho biết: Xã Thượng Quận có khoảng hơn 100 ha chuối, sản lượng đạt khoảng hơn 100.000 buồng. Với giá bán hàng năm tại vườn từ 350.000 - 650.000 đồng/buồng. Cây chuối mang lại nguồn thu trên 35 tỷ đồng cho người dân. Nhiều gia đình có thu nhập từ 70 triệu đến 400 triệu đồng/vụ Tết từ nghề trồng chuối. Hầu hết các nhà còn trồng thêm sắn dây, cũng cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm vào vụ ra Giêng. Thế nhưng, năm nay bà con thất thu, mất hết do mưa bão.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Thượng Quận, tổng thiết hại hoa màu và tài sản cả xã do bão số 3, ước tính khoảng 175 tỉ đồng. Trong 7 thôn của xã Thượng Quận, thì Bãi Mạc là thôn chịu thiệt hại nặng nhất về hoa màu, tài sản do bão. "Chiều ngày 19/9, xã Thượng Quận đang tập trung lực lượng hỗ trợ người dân dọn vệ sinh môi trường sau mưa bão. Chúng tôi cũng đang tập hợp, hướng dẫn bà con làm đơn đề nghị hỗ trợ bị ảnh hưởng sau bão, để hy vọng vơi bớt khó khăn cho người dân" - ông Nguyễn Đức Minh cho biết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước 1.500 tỷ đồng.

Riêng về sản xuất nông nghiệp, bão số 3 đã làm khoảng 7.755 ha lúa bị đổ, bị ngập; 3.202 ha rau màu bị ngập, đổ gẫy, dập nát; 4.372 ha cây ăn quả bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; 65 ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng; gần 389.000 con gia cầm bị chết; khoảng 560 ha nuôi thủy sản bị tràn bờ; 434 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng...

Trong đó, thị xã Kinh Môn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong tỉnh, do bão số 3 gây ra.

Hải Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hai-duong-nong-dan-vua-chuoi-buoi-o-kinh-mon-trang-tay-vu-tet-sau-mua-bao-20240919170343513.htm
Zalo