Hải Dương khôi phục dần hoạt động bến đò, bến khách ngang sông
Ngày 17/9, sau khi Hải Dương rút lệnh báo động lũ trên các sông, hoạt động của các bến đò, bến khách ngang sông ở các địa phương trong tỉnh cũng dần được khôi phục.
Hoạt động giao thông thủy được khôi phục
Từ 10h sáng 17/9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương đã dừng cập nhật liên tục mực nước trên các sông ở Hải Dương, chuyển về chế độ bình thường đo mực nước thấp.
Do mực nước trên các sông ở Hải Dương đã cơ bản ổn định và đa số về mức dưới báo động I, chuẩn bị rút báo động I, từ 5h ngày 17/9, Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã cho phép phà Giải trên đường tỉnh 390E vượt sông Lai Vu (sông Rạng) thuộc địa phận xã Thanh Lang (Thanh Hà) và xã Kim Đính (Kim Thành) hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, các huyện Kim Thành, Thanh Hà đã thông báo cho phép hoạt động trở lại các bến khách ngang sông đủ điều kiện. Giao cho UBND các xã kiểm tra điều kiện an toàn và thông tin để người dân nắm được, chủ động lộ trình.
Các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Ninh Giang, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế tại các sông để cho khôi phục hoạt động của các bến đò, bến khách ngang sông.
Trước đó, ngày 5/9, triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu dừng hoạt động các bến đò, bến khách ngang sông, yêu cầu các phương tiện thủy neo đậu tại các vị trí an toàn.
Sau bão số 3, nhiều thời điểm lũ tại các sông ở Hải Dương đạt báo động III và trên báo động III nên các bến đò, bến khách ngang sông tiếp tục dừng hoạt động.
Dọn dẹp nhà cửa, đường sá, nhanh chóng khôi phục sản xuất
Những ngày này, người dân trên khắp nơi ở Hải Dương tất bật dọn dẹp nhà cửa, phối hợp cùng các lực lượng để làm sạch đường phố khi nước đã rút hẳn.
Tại thôn Lấu Khê, thuộc xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách - một trong những thôn ngoài đê sông Thái Bình bị ngập nước nặng do mưa lũ, sáng 17/9, mọi người trong thôn đã hô hào nhau tổng vệ sinh môi trường từ nhà ra đến ngõ.
Bà Phạm Thị Loan, người dân thôn Lấu Khê cho biết, sau ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, khoảng 5 ngày trước, nước sông dâng cao làm nhà của bà và những gia đình khác bị ngập. Từ nhà ra đến ngõ, đâu đâu cũng thấy bùn đất, rác thải ngập ngụa.
"Hơn 100 trẻ em, người yếu thế đã được di dời, còn lại khoảng 930 người dân ở lại trong thôn. Đến nay, nước rút, chúng tôi cùng cố gắng dọn dẹp đường sá, nhà cửa, ruộng vườn để sớm ổn định cuộc sống trở lại", bà Loan cho hay.
Với phương châm 4 tại chỗ, xã xác định, nước lũ rút đến đâu, huy động các lực lượng cùng nhân dân xử lý nước sinh hoạt, dọn dẹp nhà cửa, tổng vệ sinh môi trường ngay đến đó. Tuyệt đối, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất cho người dân.
Vì vậy, ngay sau khi nước lũ rút, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và 60 người thuộc các hội, đoàn thể địa phương chung tay hỗ trợ bà con thôn Lấu Khê khắc phục hậu quả sau bão, vệ sinh môi trường.
"Chúng tôi đã được cấp 50kg thuốc để khử khuẩn toàn bộ môi trường thôn. Trong thời gian chờ có điện trở lại, xã đã vận động ủng hộ 233 chiếc bếp ga mini cho tất cả các gia đình nấu ăn. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn được hỗ trợ cho các gia đình", Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát Nguyễn Văn Thành thông tin.
Tương tự, vừa trở về sau hơn 1 tuần di dời đến nơi an toàn, hơn 100 người dân ở các thôn Tiên Động, My Đồng thuộc xã Hồng Phong (Thanh Miện) đã thực hiện một cuộc tổng vệ sinh môi trường, giải phóng bùn đất, rác thải trôi dạt trong sân vườn, đường làng, ngõ xóm được nhân dân nơi đây nhanh chóng triển khai.
Hiện nay, đồ đạc trong gia đình các hộ dân đã được sắp xếp lại. Nhà cửa, đường sá được dọn rửa sạch sẽ. Cuộc sống bình yên đang dần trở lại.
Tại huyện Ninh Giang, toàn bộ 1.823 người dân ở các xã thuộc diện di dời đã trở về nhà an toàn từ ngày 14/9.
"Các lực lượng từ huyện đến cơ sở đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ những khu vực dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai như tổng vệ sinh môi trường, giúp đỡ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển đồ đạc, thu gom cây cối bị đổ. Đây là nhiệm vụ được huyện ưu tiên hàng đầu hiện nay", Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Phan Nhật Thanh nhấn mạnh.
Ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 10.000ha lúa bị đổ, ngập; 3.202ha rau màu bị dập nát, hơn 4.300 cây ăn quả bị đổ, gãy; trên 400.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 560ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, trên 430 lồng cá bị vỡ, trôi…
Mưa bão đã làm khoảng 20.650 công trình bao gồm nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, trụ sở, trường học… trên địa bàn tỉnh bị sập mái, tốc mái, hư hỏng, đổ sập; khoảng 102.000 cây xanh gãy đổ; nhiều nơi ngập úng...