Hải Dương: Huyện Thanh Hà dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau bão lũ

Bão số 3 (bão Yagi) và mưa lũ vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa, cây cối, hoa màu… và để lại rác thải, bùn đất, chất thải khác làm cho môi trường một số khu vực trên địa bàn huyện Thanh Hà (Hải Dương) bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân…

Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau bão lũ, sớm ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn, UBND huyện Thanh Hà đã nhanh chóng chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường vệ sinh môi trường, xử lý chất thải sau bão lũ.

Theo đó, UBND huyện Thanh Hà giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện khắc phục xử lý môi trường sau mưa, bão; chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn huyện.

Đồng thời, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác thu gom, xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết (nếu có) đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

Chính quyền thị trấn Thanh Hà cùng các lực lượng chức năng của tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà dọn dẹp cây cối bị đổ sau bão lũ.

Chính quyền thị trấn Thanh Hà cùng các lực lượng chức năng của tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà dọn dẹp cây cối bị đổ sau bão lũ.

Đối với UBND các xã, thị trấn, UBND huyện Thanh Hà yêu cầu khẩn trương rà soát thống kê, đánh giá các khu vực bị ảnh ảnh hưởng và tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của bão, mưa gây ra; kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật chết (nếu có) theo đúng quy định; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn...

Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn phối hợp với cơ quan y tế địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp đảm bảo vệ sinh, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; áp dụng các biện pháp y tế để khử trùng nguồn nước để đảm bảo sinh hoạt của người dân; phun hóa chất diệt trùng, tẩy uế; khơi thông cống rãnh, vũng nước tù đọng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm…

UBND các xã, thị trấn bố trí, tăng cường lực lượng thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải và vệ sinh môi trường tại các vị trí phát sinh rác thải, rác tồn đọng. Đặc biệt, tăng cường bố trí lực lượng đoàn thể cùng với nhân dân địa phương thực hiện công tác vệ sinh tại các khu vực công cộng, kênh, mương, khơi thông dòng chảy…

Thi công sửa chữa các công trình trong trụ sở UBND bị hư hỏng sau bão số 3 tại thị trấn Thanh Hà (huyện Thanh Hà).

Thi công sửa chữa các công trình trong trụ sở UBND bị hư hỏng sau bão số 3 tại thị trấn Thanh Hà (huyện Thanh Hà).

Tích cực thực hiện

Có mặt tại thị trấn Thanh Hà, theo quan sát của Mekong ASEAN, trên các tuyến đường ở đây đã cơ bản được dọn dẹp và phong quang trở lại từ ngày 25/9. Tuy nhiên, do lượng cây trên các tuyến đường bị đổ gẫy nhiều do bão số 3, thời điểm này vẫn còn khá nhiều cây cối, và các cành cây bị nghiêng ngả; bên cạnh đó, một số đống thân cây, cành cây được chặt tỉa trước đó chưa được di dời, vận chuyển, vẫn còn xếp tại các vỉa hè, góc phố…

Đại diện UBND thị trấn Thanh Hà cho biết, ngay sau khi bão giảm cường độ, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên và sự chủ động của thị trấn, địa phương đã huy động các lực lượng thực hiện dọn dẹp cây cối bị đổ, gãy, xử lý ban đầu các tuyến đường bị mái, lán nhà, bảng biển quảng cáo… rơi xuống đường, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đi lại thuận tiện cho người dân trên địa bàn.

Tiếp đó, thị trấn huy động các lực lượng cùng bà con người dân thực hiện công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau bão lũ ở các lĩnh vực và tại các khu dân cư, đồng ruộng… Việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường trên địa bàn đến chiều 25/9 cũng là buổi thứ 7 thị trấn triển khai, thực hiện.

Lãnh đạo UBND xã Thanh Xuân (huyện Thanh Hà) cùng các cán bộ địa phương, giáo viên và các em học sinh thực hiện quét dọn, chặt tỉa cây cối nghiêng ngả sau bão tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã.

Lãnh đạo UBND xã Thanh Xuân (huyện Thanh Hà) cùng các cán bộ địa phương, giáo viên và các em học sinh thực hiện quét dọn, chặt tỉa cây cối nghiêng ngả sau bão tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã.

Cũng trong chiều 25/9, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Xuân, lãnh đạo UBND xã cùng các cán bộ địa phương, giáo viên và các em học sinh thực hiện quét dọn, chặt tỉa cây cối nghiêng ngả sau bão.

Đại diện UBND xã Thanh Xuân cho biết, cũng như các xã khác và thị trấn trên địa bàn huyện, việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường, khắc phục sau bão lũ được xã thực hiện rất quyết liệt ngay sau khi bão giảm cường độ. Đến chiều 25/9 là buổi thứ 6, chính quyền xã và các lực lượng trên địa bàn thực hiện công tác này.

Lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng

Trên cánh đồng thôn Xuân Áng (xã Thanh Xuân), nghỉ tay sau khi vừa chặt những cành cây ăn quả bị chết sau bão lũ, thông tin với Mekong ASEAN, ông Đào Văn Ất (70 tuổi), người dân trong thôn cho biết, nhà ông có 8 sào (Bắc Bộ) trồng ổi.

Ông Đào Văn Ất (70 tuổi), nông dân thôn Xuân Áng (xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà) chặt những cành cây ăn quả bị chết sau bão lũ.

Ông Đào Văn Ất (70 tuổi), nông dân thôn Xuân Áng (xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà) chặt những cành cây ăn quả bị chết sau bão lũ.

“Tan tành hết rồi cháu à! Cả 8 sào ổi, toàn bộ cây đổ nát hết. Như mọi năm đến tầm này ổi đang cho thu hoạch, tính đến cuối năm sẽ cho thu nhập được hơn một trăm triệu. Bây giờ nhà tôi phải thuê máy móc để múc, đào số ổi bị thiệt hại này đi, sau đó xử lý lại vườn rồi trồng cây mới, sẽ phải đầu tư hơn 50 triệu nữa cho việc dọn dẹp, trồng mới 8 sào ổi này”, ông Ất chia sẻ.

Ông Đào Văn Ất cho biết thêm, trong những ngày bão lũ, sau bão lũ, chính quyền và người dân địa phương đã rất tích cực trong việc dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường làng, xóm. “Người dân chúng tôi hy vọng sẽ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống, cây trồng và những thiệt hại sau bão lũ. Cùng với đó, quan tâm đến vệ sinh môi trường đồng ruộng để không xảy ra dịch bệnh cho cây trồng…”, ông Ất bày tỏ.

Nông dân huyện Thanh Hà trồng, dựng lại cây ăn quả bị đổ sau bão lũ.

Nông dân huyện Thanh Hà trồng, dựng lại cây ăn quả bị đổ sau bão lũ.

Theo báo cáo tổng hợp thiệt hại do bão số 3 và lũ, ngập úng gây ra của UBND huyện Thanh Hà, đến ngày 29/9, ước tổng thiệt hại toàn huyện khoảng 1.570,35 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về lĩnh vực nông nghiệp khoảng 981,77 tỷ đồng; thủy sản là 31,69 tỷ đồng; đê điều, thủy lợi khoảng 1.085 tỷ đồng; lĩnh vực thông tin liên lạc khoảng 347,99 tỷ đồng; công nghiệp là 56,41 tỷ đồng; lĩnh vực giáo dục khoảng 20,18 tỷ đồng; các công trình khác thiệt hại khoảng 14,43 tỷ đồng…

Nông dân huyện Thanh Hà thu hoạch lúa, chuẩn bị ruộng đồng cho cây rau màu vụ Đông.

Nông dân huyện Thanh Hà thu hoạch lúa, chuẩn bị ruộng đồng cho cây rau màu vụ Đông.

Thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tổng thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh gần 7.500 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thiệt hại về nhà ở khoảng 227,6 tỷ đồng, nông nghiệp gần 4.200 tỷ đồng, công nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại là thiệt hại về cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, công trình đê điều, thủy lợi, văn hóa…

Sau khi bão tan, tỉnh Hải Dương khẩn trương thu dọn cây xanh bị gẫy đổ, giải tỏa các vật cản giao thông, sửa chữa trụ sở, vệ sinh môi trường… Tỉnh đã hỗ trợ ngay 12 huyện, thành phố, thị xã mỗi đơn vị 6,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau bão. Tổ chức khắc phục khẩn cấp một số công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi… với tổng kinh phí khoảng 52 tỷ đồng. Trong tổng số thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, kinh phí mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp tự khắc phục rất lớn…

Phùng Nguyện

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hai-duong-huyen-thanh-ha-don-dep-ve-sinh-moi-truong-sau-bao-lu-33858.html
Zalo