Hải Dương: Học sinh nghỉ học từ ngày 7/9 tránh bão số 3

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương vừa chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học thứ bảy ngày 7/9 để phòng tránh bão số 3 (siêu bão Yagi).

Ngày 7/9, học sinh toàn tỉnh Hải Dương được nghỉ học

Ngày 6/9, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương đã ban hành Công văn số 1862 gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo; các Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm GDTX – Ngoại ngữ, tin học tỉnh và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương về việc cho học sinh nghỉ học để đối phó với cơn bão số 3 năm 2024.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho học sinh nghỉ học vào thứ Bảy, ngày 7/9/2024; bố trí học bù vào thời gian phù hợp để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch thời gian năm học.

Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Bình Giang

Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Bình Giang

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cũng yêu cầu các trường thực hiện nghiêm Công điện số số 86 ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024; Công điện số 1170 ngày 4/9/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chủ động ứng phó với bão số 3 và Công điện số 05 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương về việc ứng phó với bão số 3 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, các trung tâm theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, lên các phương án và kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bản ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn bảo đảm không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Thực hiện thường trực chống bão lụt 24/24 giờ trong ngày. Giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Có kế hoạch phối hợp, ứng cứu đề phòng diễn biến phức tạp. Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão số 3 trên các phương tiện truyền thông.

Khẩn trương khắc phục các thiệt hại; dọn dẹp, vệ sinh trường lớp học ngay sau mưa bão bảo đảm an toàn, sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng chống bão. Liên tục cập nhập thông tin, báo cáo các tình huống phát sinh, những sự cố bất thường xảy ra để kịp thời chỉ đạo, xử lý.

Công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất

Sáng cùng ngày, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Bình Giang. Cùng đi có các đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương…

Tại huyện Bình Giang, Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại trạm bơm Cầu Sộp (thị trấn Kẻ Sặt), điểm sạt lở bờ kênh Bắc Hưng Hải và vùng sản xuất lúa tập trung (xã Thúc Kháng).

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước bão số 3. Đồng thời phải lường trước các tình huống để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là khi có mưa lớn, nước dồn về nhanh. Vì vậy phải làm tốt việc tháo gạn nước đệm, hạ thấp mực nước kênh trục, đề phòng mưa lớn. Các trạm bơm tiêu úng phải được kiểm tra kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ thiết bị, động cơ dự phòng đáp ứng yêu cầu vận hành, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dự báo, diễn biến tình hình mưa bão để người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống thiên tai, nếu để xảy ra thiệt hại do lơ là chủ quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Đối với các điểm xung yếu trên hệ thống công trình thủy lợi cần bố trí lực lượng túc trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra.

Đối với những vị trí xung yếu trên hệ thống Bắc Hưng Hải, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cân nhắc, tính toán phương án xử lý phù hợp trong trường hợp cấp bách, không bị động làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống thiên tai.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng giao các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy sát sao với địa bàn được phân công phụ trách, bảo đảm công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất.

Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương xác định vùng ảnh hưởng do bão số 3 gây ra là phạm vi toàn tỉnh. Các đối tượng dễ bị tổn thương do bão là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, các cư dân, gia đình tại các nhà cũ, yếu, khu vực trũng thấp, ngoài đê...

Theo công điện số 06, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, ngành theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, bão, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất.

Không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn về tính mạng, nhất là trẻ em và các trường hợp yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại về người và tài sản.

Các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch nhanh sản phẩm nông nghiệp có thể thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng" để giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cắt tỉa cành cây nhưng không ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây xanh và bảo đảm cảnh quan đô thị. Chằng chống nhà cửa, công trình, trường học, kho tàng, bến bãi, các biển hiệu quảng cáo, mái che, mái vẩy, công trình cột tháo cao, téc nước trên cao…

Khi có tình huống không bảo đảm an toàn tại công trình, nhà xung yếu, khu vực sạt lở đất thì khẩn trương thực hiện phương án sơ tán dân tới nơi an toàn. Triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích cây trồng, thủy sản, nhất là cá lồng trên sông, tuyệt đối không để người dân ở lại chòi canh cá lồng khi bão đổ bộ.

Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm phục vụ tiêu úng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu về đê điều, thủy lợi, sạt lở đất để triển khai xử lý ứng cứu ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn cho công trình.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và UBND cấp huyện yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp chủ động triển khai phương án phòng chống bão, mưa, úng.

Mời độc giả xem thêm video Phòng chống cháy nổ, an toàn điện khi đối diện với bão số 3

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hai-duong-hoc-sinh-nghi-hoc-tu-ngay-79-tranh-bao-so-3-2028924.html
Zalo