Hải Dương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công
UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Hải Dương là 9.459,8 tỷ đồng, đến ngày 31/10/2024 tỉnh đã giải ngân 3.288 tỷ đồng, đạt 34,8% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước giải ngân 3.284,3 tỷ đồng, đạt 34,8% so với tổng vốn thanh toán và đạt 47,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao 6.931,7 tỷ đồng.
Dự kiến khoảng 376,5 tỷ đồng không có khả năng giải ngân, trong đó vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh bổ sung có mục tiêu khoảng 185 tỷ đồng.
Dự kiến tỉnh sẽ điều chỉnh giảm 423,5 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh của 16 dự án, bổ sung 363,49 tỷ đồng cho 12 dự án. Về vốn ngân sách Trung ương, dự kiến điều chỉnh giảm 2,5 tỷ đồng của Dự án đường gom đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, bổ sung cho Dự án Nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5.
Sau khi dự kiến phương án điều chỉnh kế hoạch vốn như trên, ước giải ngân cả năm 2024 của tỉnh khoảng 8.728 tỷ đồng, đạt 92,5% so với tổng kế hoạch vốn và vượt 25,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Địa phương có tỉ lệ giải ngân cao nhất là thành phố Chí Linh đạt hơn 71,6%; thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn và huyện Ninh Giang đều đạt trên 50%; các địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó thấp nhất là huyện Thanh Hà đạt 5,3%. Hải Dương hiện nằm trong nhóm 21 tỉnh có tỉ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình cả nước.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương đã báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trong triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu là vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng xã của một số địa phương chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án. Tình trạng khan hiếm nguồn cung một số loại vật liệu xây dựng như đất đắp, cát san nền... vẫn còn xảy ra...
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Tổ công tác, đại diện một số sở, ngành và địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Lê Ngọc Châu yêu cầu trong thời gian còn lại của năm, các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ trong triển khai thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục tập trung rà soát, dự kiến khả năng thực hiện sát với thực tiễn, đảm bảo giải ngân hết 100% trong niên độ ngân sách năm 2024. Đối với nguồn tăng thu ngân sách (nếu có) chỉ phân bổ cho dự án có khả năng giải ngân hết 100% vốn giao bổ sung.
Cho ý kiến đối với nhóm dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ông Lê Ngọc Châu yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy nhanh công tác lập dự án đầu tư, lập thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công để khởi công tất cả các dự án đã được bố trí vốn trước ngày 30/11/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng giao các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tập trung và rút ngắn ít nhất 30% thời gian thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các dự án để đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu thi công; Sở Xây dựng chủ trì công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, sát với giá thị trường làm cơ sở lập tổng mức đầu tư, dự toán công trình.
Các sở, ngành và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo. Định kỳ vào thứ năm hàng tuần, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện dự án, kết quả giải ngân chi tiết từng dự án so với thời điểm báo cáo tuần trước gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh vào thứ hai tuần tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Trung tâm Công nghệ thông tin (Văn phòng UBND tỉnh) hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Các sở, ngành, chủ đầu tư và địa phương có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thực hiện dự án, tiến độ, tỷ lệ giải ngân vào phần mềm và chịu trách nhiệm về số liệu, thông tin cập nhật…