Hải Dương: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, hướng tới phát triển bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã phát triển được khoảng 92 ha nhà màng sản xuất nông nghiệp, dự kiến sẽ còn tăng nhanh trong vài năm tới. Các mô hình nhà màng là một trong những 'đòn bẩy' để tỉnh này thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Mới đây, HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh này sửa đổi từ "hỗ trợ 100.000 đồng/m2 xây dựng nhà màng, hỗ trợ không quá 50.000 đồng/ m2/năm/toàn tỉnh" thành "hỗ trợ 100.000 đồng/m2 xây dựng nhà màng". Kinh phí dự kiến có thể sử dụng để hỗ trợ xây dựng nhà màng năm 2024 và năm 2025 là 76,4 tỷ đồng.
Nguồn lực hỗ trợ này khi được phân bổ sẽ giúp nông dân trong tỉnh tiếp tục có động lực khôi phục sản xuất sau bão số 3, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Nghị quyết trên khiến nhiều nông dân trong tỉnh vui mừng, phấn khởi đầu tư sản xuất nhà màng.
Sản xuất trong nhà màng tránh được những bất thuận do thời tiết gây ra, hạn chế sâu bệnh. Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới áp dụng kỹ thuật trồng cây trong bầu bằng các giá thể, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, sử dụng quạt thông gió để điều hòa nhiệt độ... Tất cả đã tạo ra những mặt hàng nông sản có năng suất cao, mẫu mã, chất lượng tốt và đảm bảo an toàn.
Các mô hình nhà màng cũng góp phần giảm công lao động, hạ giá thành, cho doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 10-30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau màu thông thường. Lợi nhuận mỗi ha nhà màng đạt bình quân 750 triệu đồng/ha/năm.
Về mặt xã hội, các mô hình nhà màng đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nhàn rỗi với thu nhập ổn định. 2 năm trở lại đây, lĩnh vực sản xuất này đang thu hút một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động trẻ. Do chủ yếu sử dụng xơ dừa, phân bón hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất nên cây trồng trong nhà màng ít sâu bệnh gây hại, góp phần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Tại cánh đồng thôn Vĩnh Duệ, xã Nhật Quang (Gia Lộc), những ruộng nhà màng mới mọc lên san sát. Anh Đỗ Phương Nam sau một thời gian làm công nhân đã trở về quê mạnh dạn đầu tư 1,3 tỷ đồng để xây dựng 1,1 mẫu nhà màng trồng dưa lưới, dưa chuột.
Ông Lã Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Nhật Quang cho biết: Nghị quyết của HĐND tỉnh đang tạo ra động lực mới để nông dân mạnh dạn làm nông nghiệp công nghệ cao. Toàn xã hiện đã phát triển được khoảng 10 ha nhà màng, tăng 3 ha so với đầu năm nay. Nhiều lao động trẻ đã mạnh dạn bỏ công ty, không đi xuất khẩu lao động để ở nhà làm nhà màng. Nhà màng phát triển giúp xã Nhật Quang xóa được nhiều ruộng bị nông dân bỏ hoang.
Xã Phạm Trấn (Gia Lộc) đã phát triển rất nhanh diện tích nhà màng từ khoảng 0,4 ha (năm 2017) lên 37 ha (năm 2024). Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn Nguyễn Xuân Thơ cho biết, hợp tác xã và nông dân liên kết ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nền tảng số trong quản lý, điều hành sản xuất, tạo ra những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, có giá trị cao trên thị trường... Những điều này đã giúp Phạm Trấn trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất.
Ông Trần Văn Quang ở xã Phạm Trấn có 4 năm kinh nghiệm sản xuất dưa lưới, dưa chuột trong nhà màng nên hiểu rất rõ những lợi ích của mô hình này. Ông cho hay kinh phí đầu tư ban đầu lớn nhưng đổi lại khung nhà màng có thể sử dụng vài chục năm, mảng phủ được 8-10 năm. Trong nhà màng, mỗi năm trồng được 3-4 vụ thay vì chỉ được 1-2 vụ như phương thức canh tác truyền thống. Giá nông sản trồng trong nhà màng cao gấp 3-4 lần so với rau màu trồng bên ngoài, mẫu mã đẹp, tiêu thụ thuận lợi. Việc áp dụng công nghệ vào các khâu sản xuất khiến nông dân không vất vả như trước.
Hiện nay, anh Nguyễn Văn Tiến ở thôn An Khoái, xã Tứ Cường (Thanh Miện) đã lên kế hoạch đầu tư thêm khoảng 2.000 - 3.000 m2 nhà màng trong năm tới. Cũng tại huyện này, nông dân các xã Ngũ Hùng, Chi Lăng Nam cũng đang tiếp tục đầu tư phát triển nhà màng. Huyện Thanh Miện hiện đã phát triển được gần 54.000 m2 nhà màng, đứng thứ 3 toàn tỉnh.
Hải Dương đã phát triển được khoảng 92 ha nhà màng và dự kiến sẽ còn tăng nhanh trong vài năm tới khi tỉnh duy trì chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài hiệu quả kinh tế, các mô hình nhà màng giúp không ít địa phương đạt được tiêu chí về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.