Hải Dương đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số
Trong năm 2024, Hải Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin trên địa bàn, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản lý và điều hành.
Đến nay, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; nhiều sở, ngành đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chuyên biệt phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Trong năm 2024, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí và phương thức truyền thông mới để quảng bá về hình ảnh, thế mạnh, tiềm năng du lịch tỉnh Hải Dương trên các loại hình báo chí, truyền thông và phương tiện truyền thông mới.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của Hải Dương về chuyển đổi số là việc triển khai Ứng dụng Smart - HaiDuong. Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh đã có hơn 45.000 người cài đặt ứng dụng Smart - HaiDuong. Trong đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh đã cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Ứng dụng Smart - HaiDuong được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng và khai trương vào 26/3/2024. Ứng dụng có nhiều tiện ích thiết yếu, phục vụ người dân, doanh nghiệp với nội dung đa dạng, phong phú, được cập nhật thường xuyên. Trên ứng dụng cung cấp, cập nhật các thông tin chính thức từ UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; dịch vụ công trực tuyến; tra cứu thông tin về các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa, du lịch, tuyển dụng, giá cả thị trường và thông tin cảnh báo lừa đảo. Bên cạnh đó, ứng dụng còn giúp mọi người khám phá các địa điểm nổi tiếng ở Hải Dương; đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện; gọi xe taxi, đặt vé tàu, xe, máy bay…
Cũng trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương đã phát triển các kênh tương tác, cung cấp thông tin và các dịch vụ, tiện ích hữu hiệu giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Triển khai nhiều hình thức nhằm phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số.
Trong năm, Sở đã tổ chức đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số, kỹ năng số cho hơn 3.500 cán bộ, công chức, viên chức.
Năm nay, cũng là năm đầu tiên Hải Dương tổ chức công bố Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) trên địa bàn tỉnh tại chương trình Ngày Chuyển đổi số 26/3 tỉnh Hải Dương năm 2024 để đánh giá hiện trạng chuyển đổi số của các cơ quan, địa phương trong tỉnh.
Ngành thông tin truyền thông của tỉnh ghi nhận nhiều kết quả tích cực: nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, mạng lưới truyền dẫn, triển khai băng thông rộng chất lượng cao, phủ sóng 4G, 5G trên toàn tỉnh; Mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cấp xã để phục vụ cho các nhu cầu kết nối; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đảm bảo nhu cầu họp trong nội bộ tỉnh và các cuộc họp của Chính phủ với địa phương; triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung của tỉnh (LGSP) để đồng bộ kết nối cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương. Hiện nay, chỉ số về Hạ tầng số của tỉnh Hải Dương đứng thứ 11 trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu của tỉnh, kết nối liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước và phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh khai thác, sử dụng có hiệu quả hạ tầng thanh toán số quốc gia; tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp; triển khai thúc đẩy mạnh mẽ giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có gần 300 doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp không ngừng đổi mới phương thức quản lý và sản xuất kinh doanh, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới mang lại lợi ích kinh tế, đảm bảo quốc phòng và an ninh; trên địa bàn có gần 200 doanh nghiệp nền tảng số, hơn 8.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx (chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số); tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,58%.