Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm buông lỏng quản lý, vụ lợi cá nhân
Theo Hội đồng xét xử, 2 bị cáo là cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã buông lỏng quản lý, cố ý làm trái và chỉ đạo cấp dưới trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện…
Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án kéo dài, hôm nay 23.8, TAND TP.HCM tuyên án đối với 254 bị cáo trong đại án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Theo HĐXX, trong quá trình xét xử, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cùng các đồng phạm có mặt tại tòa thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết. Một số bị cáo đề nghị tòa xem xét lại tội danh và số tiền thu lợi bất chính.
HĐXX nhận định qua quá trình điều tra và lời khai tại tòa, có đủ căn cứ xác định các hành vi sai phạm tại đại án đăng kiểm xảy ra theo từng giai đoạn, nhưng tập trung chủ yếu từ năm 2019 đến khi phát hiện là năm 2022.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, diễn biến tại tòa, có đủ căn cứ xác định rằng xuất phát từ quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM phát hiện hai ô tô có dấu hiệu cơi nới thành thùng trái với quy chuẩn nên tiến hành dừng xe để kiểm tra.
Kết quả kiểm tra xác định kích thước thành, thùng xe trùng khớp với giấy chứng nhận kiểm định, nhưng lại sai lệch với thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Vụ việc sau đó được chuyển CQĐT để xác minh.
Từ dấu hiệu tội phạm này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước.
Qua quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra và truy tố tổng cộng 254 bị can về 11 tội danh. Trong đó, hai bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là hai cựu cục trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất vì đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo HĐXX, các bị cáo lợi dụng chức năng nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, cố ý làm trái và chỉ đạo cấp dưới trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.
Khi bị phát hiện, ông Hà không chấn chỉnh, xử lý mà vì vụ lợi cá nhân tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới và các trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ. Số tiền này sẽ được chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc phải đảm bảo lợi ích của ông Hà là cao nhất.
HĐXX xác định ông Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ hơn 40 tỉ đồng và hưởng lợi hơn 8 tỉ đồng. Ông Hà được ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ, như đã nộp lại hơn 5 tỉ đồng, gia đình có công với cách mạng…
Đối với bị cáo Trần Kỳ Hình (người tiền nhiệm của ông Hà), HĐXX xác định có các hành vi sai phạm tương tự, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vì động cơ vụ lợi đã nhận tiền hối lộ tổng cộng hơn 7,5 tỉ đồng và 23.000 USD của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua sai phạm trong việc cấp phép...
Ngoài ra, theo nhận định của HĐXX, bị cáo Hình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn vị trí công tác làm trái quy định, duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
HĐXX đang tiếp tục tuyên án.