Hai cung đường Cửu Trại Câu: Dù đông đúc hay tĩnh lặng, đều có ý nghĩa riêng
Trải qua hai ngày khám phá Cửu Trại Câu, điều khiến tôi cảm thấy rõ ràng nhất chính là sự khác biệt rõ nét giữa hai cung đường. Một bên là hành trình đi qua những điểm check-in, nơi đám đông hối hả tranh thủ đua từng góc ảnh. Một bên là con đường bộ hành yên tĩnh, nơi thiên nhiên dường như dành trọn cho riêng tôi. Sự đối lập này không chỉ đến từ bối cảnh và không gian, mà còn ở góc nhìn và trải nghiệm của chính bản thân mình.

Khung cảnh đẹp hiền hòa tạo nên sức hút khó cưỡng của Cửu Trại Câu.
Những ngọn núi đa sắc có lúc hiền hòa chập chờn mây phủ, có đoạn lại uy nghiêm, nổi bật trên nền trời quang đãng. Khung cảnh tuyệt hảo làm say lòng người lữ khách. Người ta nói rằng buổi chớm Thu là một trong những thời khắc rực rỡ nhất Cửu Trại Câu. Nhưng dư âm của chuyến đi trong tôi không chỉ dừng lại ở sự rực rỡ ấy.

"Shuttle bus" - xe buýt trung chuyển giữa các điểm tham quan.
Ngày đầu tiên, tôi chọn sử dụng "shuttle bus" - xe buýt trung chuyển giữa các điểm tham quan trong khu danh thắng để đến các điểm "must try" - những nơi ai đến cũng phải ghé qua một lần cho biết.
Hồ Gương với mặt nước như gương soi bóng núi non mây trời. Hồ Ngũ Hoa lấp lánh ánh ngọc, từng xuất hiện trong không ít bức ảnh nổi tiếng. Hồ Panda màu ngọc lục bảo, nơi tương truyền ngày xưa gấu trúc từng dừng chân uống nước. Thác Trân Châu vừa kỳ vĩ vừa thướt tha như hàng ngàn viên ngọc trai lấp lánh ánh bạc dưới nắng thu, đây cũng là khung cảnh choáng ngợp từng xuất hiện trong phim Tây Du Ký…

Cổng vào Cửu Trại Câu đông nghẹt khách tham quan.

Thác Trân Châu vừa kỳ vĩ vừa thướt tha như hàng ngàn viên ngọc trai lấp lánh ánh bạc.
Ai ai cũng vừa như nhẫn nại, vừa hồ như nóng ruột khi chờ từng dòng khách đông đúc xếp hàng, chỉ để được lưu lại một tấm hình kỷ niệm với những khung cảnh trứ danh. Đi qua hết những địa điểm ấy, cảm giác như đã "check" xong danh sách cần ghé, nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy có chút thiếu vắng, tôi nghĩ mình còn chưa hiểu hết về Cửu Trại Câu.
Vậy là tôi quyết định nới thêm thời gian so với dự định ban đầu, xếp hàng mua vé quay lại Cửu Trại Câu vào ngày tiếp theo.

Tôi quyết định quay lại Cửu Trại Câu vào ngày hôm sau.
Lần này, tôi chọn một con đường khác - cung đường bộ hành ít người đi. Bước chân qua những con suối nhỏ, lạc vào rừng sâu, cảm giác như chỉ còn mình tôi giữa thiên nhiên bao la. Không còn tiếng người, chỉ có tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá xào xạc, tiếng gió thổi xôn xao qua những tán cây...
Dường như không còn ranh giới giữa tôi và đất trời. Tôi thấy mình là một phần của thiên nhiên. Tôi cũng thấy mình được đất trời ôm ấp, trong một trường năng lượng bình yên khó tả.
Dọc theo con đường ấy, thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài anh chị nhân viên bảo vệ chăm chỉ. Dù là con đường vắng người, họ vẫn cẩn thận soi và nhặt từng mảnh vụn mà kẻ bộ hành nào đó lỡ tay rơi rớt dọc lối đi, bảo đảm thiên nhiên thuần khiết cho những người đến sau.

Cảnh sắc thiên nhiên khiến ai cũng phải ngẩn ngơ.

Cung đường vắng vẻ giúp tinh thần được thư giãn hoàn toàn.

Bảng chỉ dẫn chi tiết khiến ta cảm giác như có người bạn đồng hành.
Những bảng chỉ dẫn nhỏ gọn nhưng đầy chi tiết cũng khiến tôi thấy khâm phục sự chu đáo của ban quản lý. Chẳng hạn, bảng thông báo: “Đường này dài 2km, hãy cân nhắc sức khỏe trước khi đi tiếp. Hoặc rẽ trái để đến trạm dừng nghỉ”. Hoặc một bảng ghi rõ thông tin về hình dáng của các loại lá trong rừng, phẩm chất của các loại gỗ quý đặc chủng kèm theo QR code cho người muốn tìm hiểu thêm… khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây.
Có những tấm bảng còn gợi lên những suy tư. Như bảng giải thích về những thân cây cội già ngã xuống, kết thúc vòng đời của chúng. Tưởng chừng lụi tàn, những xác cây vô tri ấy lại trở thành nơi trú ẩn và nguồn thức ăn cho các loài động vật nhỏ. Một phần thân gỗ sẽ tiếp tục bị phân hủy bởi hệ vi sinh vật và cung cấp chất dinh dưỡng, môi trường phát triển thuận lợi cho những mầm cây mới. Như một sự gợi nhắc nhẹ nhàng về vòng tuần hoàn bất tận của sự khởi đầu và kết thúc, về luân hồi và sinh diệt… Khi sự kết thúc của một sự sống không phải là dấu chấm hết, mà là khởi điểm cho nhiều sự sống mới.

Chỉ có tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá xào xạc.

Khung cảnh đẹp như một bức tranh.
Trải qua hai ngày khám phá Cửu Trại Câu, điều khiến tôi cảm thấy rõ ràng nhất chính là sự khác biệt rõ nét giữa hai cung đường. Một bên là hành trình đi qua những điểm check-in, nơi đám đông hối hả tranh thủ đua từng góc ảnh. Một bên là con đường bộ hành yên tĩnh, nơi thiên nhiên dường như dành trọn cho riêng tôi. Sự đối lập này không chỉ đến từ bối cảnh và không gian, mà còn ở góc nhìn và trải nghiệm của chính bản thân mình.
Không có con đường nào tốt hơn, chỉ là mỗi trải nghiệm đều mang lại những bài học riêng biệt và những món quà khác nhau.

Không có con đường nào tốt hơn, chỉ là mỗi trải nghiệm đều mang lại những bài học riêng biệt.
Ngày đầu tiên, đi qua những khung cảnh lung linh, đẹp như tranh vẽ, tôi không thể giấu được cảm giác ngỡ ngàng trước sự kỳ diệu của thiên nhiên. Con đường đông đúc, nhộn nhịp không phải là một lựa chọn tồi. Ngoài sự an toàn, tiện nghi, nó còn giúp tôi cảm nhận được sự hào nhoáng và sôi động của thế giới mà mình đang sống.
Dù bên trong, vẫn có chút gì đó hụt hẫng, như thể tôi đang chen chân trong một buổi triển lãm hay một cuộc "marathon chạy đua với thời gian", hòng không bỏ sót địa điểm nổi tiếng nào. Nhưng đến cuối ngày, tôi hiểu rằng sự náo nhiệt, ồn ào ấy cũng chính là một phần tất yếu của lựa chọn.

Cảm giác như tôi đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác.
Ngày thứ hai, khi rảo bước vào cung đường ít người lui tới, cảm giác như tôi đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Không còn ồn ào, không còn ánh đèn flash chớp nháy, chỉ còn tôi và thiên nhiên. Con đường tĩnh lặng, nhẹ nhàng cho tôi thấy một góc nhìn đặc biệt hơn, cảm giác như tôi đang chạm tới vẻ đẹp tinh tế của tự nhiên. Nhưng sự thong dong và thư thái, cũng đồng nghĩa với việc thiếu sự hỗ trợ, ít dịch vụ, ít trạm dừng và đôi khi là sự cô độc trong hành trình.
Và như thế, tôi hiểu rằng mỗi con đường, dù đông đúc hay tĩnh lặng, đều có ý nghĩa riêng của nó. Dù chọn con đường nào, thì điều quan trọng nhất chính là tâm thế đón nhận và thưởng thức trọn vẹn từng khoảnh khắc trên hành trình mình đi qua.
Vài nét về Cửu Trại Câu:
Vườn quốc gia Cửu Trại Câu, viên ngọc xanh giữa lòng núi non của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1992.
Cửu Trại Câu tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những dãy núi, thác nước và hàng loạt hồ nước trong xanh. Mỗi hồ mang một màu sắc khác biệt tùy vào khoáng chất trong nước và ánh sáng tự nhiên. Địa danh này còn được mệnh danh là "thiên đường nơi hạ giới" bởi vẻ đẹp hoàn mỹ quanh năm, Xuân - Hạ - Thu - Đông đều mang vẻ đẹp riêng say đắm lòng người.
Ngày 8/8/2017, một trận động đất mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng du lịch. Cửu Trại Câu phải đóng cửa hơn 2 năm để khôi phục và bảo tồn trước khi mở cửa trở lại vào ngày 27/9/2019. Việc khôi phục này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ những di sản thiên nhiên quý giá như Cửu Trại Câu, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của con người đối với môi trường.