Hai cầu dây văng tĩnh không cao nhất Việt Nam sau 10 năm khởi công
Thuộc tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, hai cầu dây văng Bình Khánh (sắp hợp long) và Phước Khánh (vừa tái khởi công) nổi bật với tĩnh không thông thuyền 55 m cao nhất Việt Nam.

Trong ảnh là cầu Bình Khánh, thuộc gói thầu J1 của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ (TP.HCM).

Công trình được khởi công từ tháng 8/2015 với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, nhưng phải tạm dừng thi công vào cuối năm 2018 do vướng mắc về nguồn vốn, khi đã đạt khoảng 70% tiến độ.

Sau gần 5 năm gián đoạn, cầu Bình Khánh là một trong hai cầu dây văng lớn nhất thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được tái khởi động vào cuối tháng 10/2023. Theo báo cáo tiến độ gần nhất của chủ đầu tư, công trình đã hoàn thành hơn 93% khối lượng, với 16/18 đốt cầu được lắp đặt.

Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các hạng mục then chốt như đúc hẫng, kéo dây văng và đổ bê tông mặt cầu.

Dự kiến, cầu sẽ hợp long vào tháng 6 và hoàn thành toàn bộ vào đầu tháng 9, tạo tiền đề quan trọng cho việc thông tuyến toàn bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành vào cuối năm 2026.

Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ (TP.HCM), có tổng chiều dài hơn 2,76 km, trong đó phần cầu chính dài 763 m.

Cầu sử dụng kết cấu dây văng hai mặt phẳng, trụ cầu hình chữ H cao 135 m, với tĩnh không thông thuyền 55 m, cao nhất Việt Nam hiện nay, đáp ứng lưu thông cho tàu biển tải trọng lớn. Mặt cầu rộng 21,75 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp.

Trong khi đó, cầu Phước Khánh - nút thắt cuối cùng của toàn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc gói thầu J3 - bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Câu Phước Khánh được khởi công từ tháng 7/2015, công trình có chiều dài hơn 3.100 m, mặt cầu rộng 22 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.

Đến đầu năm 2019, dự án đạt khoảng 80,7% khối lượng thì phải dừng thi công do vướng mắc về cơ chế và nguồn vốn. Sau khi nhà tài trợ JICA rút lui, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tự thu xếp vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Sau thời gian dài tạm ngưng do vướng mắc về vốn và cơ chế, cầu Phước Khánh đã chính thức được triển khai trở lại từ đầu tháng 5.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tri Thức - Znews vào ngày 20/5, trên công trường chỉ có vài bảo vệ túc trực, vắng bóng đội ngũ công nhân, kỹ sư.

Gói thầu J3-1, thi công phần còn lại của cầu, do liên danh CTCP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam và Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam đảm nhận, có giá trị hợp đồng hơn 635 tỷ đồng và thời gian thi công dự kiến 450 ngày.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, với tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai, đã được điều chỉnh thời gian hoàn thành đến ngày 30/9/2026.

Việc điều chỉnh này nhằm dự phòng cho các khó khăn phát sinh trong quá trình thi công, đặc biệt là tại các gói thầu trọng điểm như cầu Phước Khánh.