Hà Tĩnh: Vì sao nhà máy luyện gang thép công suất 500.000 tấn/năm chậm triển khai?

Dự án Nhà máy Luyện Gang thép công suất 500.000 tấn/năm ở Khu Kinh tế Vũng Áng (dự án) được cấp chứng nhận đầu tư năm 2021 nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng các hạng mục.

Dự án được thực hiện trên diện tích 25,81ha với tổng mức đầu tư hơn 2.267 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Gang Thép Vũng Áng làm chủ đầu tư.

Dự án bị xử phạt 85 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Dự án bị xử phạt 85 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Dự án có mục tiêu sản xuất phôi thép phục vụ các nhà máy cán nóng thép xây dựng, đồng thời sản xuất gang bằng công nghệ lò cao truyền thống và thép bằng công nghệ lò thổi oxy. Phôi thép được tạo ra theo hình thức đúc liên tục, với công suất thiết kế đạt 500.000 tấn/năm.

Ngay sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần yêu cầu công ty đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm triển khai thi công và đưa dự án vào hoạt động.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại – dù tiến độ thực hiện dự án theo cam kết đã kết thúc từ quý II/2024, công ty vẫn chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục chính của dự án.

Sau khi rà soát nguyên nhân chậm tiến độ và hành vi vi phạm, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) đề nghị xử lý theo quy định. Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở đã ban hành xử phạt hành chính công ty số tiền 85 triệu đồng. Công ty đã nộp phạt.

Lý giải về việc chậm tiến độ, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Các đối tác mà công ty từng đàm phán từ trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã không thể tiếp tục hợp tác. Việc tìm kiếm nhà thầu thay thế gặp nhiều khó khăn do hạn chế đi lại quốc tế, đặc biệt là không thể trực tiếp sang Trung Quốc để khảo sát và đàm phán hợp đồng tổng thầu EPC."

Để tháo gỡ khó khăn, ngay trong năm 2021 – sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư – công ty đã chủ động kết nối và đàm phán trực tuyến với một đối tác tại Trung Quốc. Kết quả, hai bên ký kết hợp đồng thiết kế sơ bộ với Viện Thiết kế tỉnh Sơn Tây. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình trao đổi, làm việc đều phải thực hiện qua mạng internet, không thể gặp gỡ trực tiếp. Do đơn vị thiết kế không thể sang hiện trường khảo sát thực tế, quá trình triển khai thiết kế gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ chung của dự án.

Mãi đến 3/2023, đoàn chuyên gia của Viện Thiết kế Trung Quốc mới thu xếp được thời gian sang Việt Nam để tiến hành khảo sát thực tế dự án và làm việc với phía công ty, nhằm triển khai bước đầu của hợp đồng tư vấn thiết kế.

Trong khi đó, thị trường nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm trên toàn cầu có nhiều biến động lớn, tác động trực tiếp đến thị trường trong nước. Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp thép trong nước rơi vào tình trạng thua lỗ, buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí tạm ngừng sản xuất. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và tính khả thi của dự án.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chuyên môn tại công ty hiện còn hạn chế. Việc dự án bị chậm tiến độ kéo dài đã dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao trong Ban Quản lý dự án xin nghỉ việc để tìm kiếm việc làm khác, gây ảnh hưởng đến năng lực điều hành và triển khai dự án.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý Đầu tư – Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, đến nay công ty đã có văn bản chính thức đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư và gửi kèm hồ sơ đầy đủ đến Ban. Hồ sơ này đã được thẩm định, và Ban Quản lý Khu Kinh tế đã có văn bản xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Tuyết Mây

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-tinh-vi-sao-nha-may-luyen-gang-thep-cong-suat-500000-tan-nam-cham-trien-khai-192250505142621781.htm
Zalo