Hà Tĩnh: Tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng
Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh đã có sức bật mới, ngày càng có chiều sâu, với phương châm 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ' nên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Với phương châm, lấy “phòng ngừa” là biện pháp hàng đầu, đi đôi với phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, trong thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó nổi bật là công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tiếp tục được tăng cường; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đẩy mạnh, đồng bộ, hiệu quả. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được quan tâm.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực nhạy cảm, như đấu thầu, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản được tập trung chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp thực hiện cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Theo báo cáo của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Tĩnh đã thụ lý, điều tra 14 vụ án với 67 bị can liên quan đến tham nhũng. Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 11 vụ với 62 bị can.
Tiêu biểu là vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà. Theo đó, Dương Anh Dũng (SN 1985), trú tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, mặc dù biết rõ thửa đất số 559, tờ bản đồ địa chính số 13, tại thôn Xuân Sơn do UBND xã Lưu Vĩnh Sơn quản lý.
Quá trình đó, ông Trần Văn Dũng, trú tại thôn Xuân Sơn đã tự ý chiếm dụng 15.000m2 để sử dụng trái phép nhưng Dương Anh Dũng vẫn bàn bạc với Đặng Đình Nam (SN 1988), cán bộ địa chính xã, thống nhất với nhau lập khống hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng ông Dũng.
Sau khi có bìa đỏ, Dương Anh Dũng đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất nói trên để bán lại cho người khác kiếm lời. Cuối tháng 12/2024 TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt Dương Anh Dũng 7 tháng tù và Đặng Đình Nam 9 tháng tù cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, vào tháng 8/2024, TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã mở phiên tòa xét xử, tuyên án cựu Trưởng Văn phòng giao dịch Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Khê Nguyễn Thị Mai (SN 1985) cùng 17 thuộc cấp về các tội: “Tham ô tài sản”; “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ, từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2023, Nguyễn Thị Mai đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo 6 cán bộ tín dụng lập khống 357 bộ hồ sơ vay vốn tại địa bàn 10 xã để giải ngân rút vốn 96 lần, chiếm đoạt của Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Khê tổng số tiền hơn 10,1 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân.
Ngoài ra, Nguyễn Thị Mai còn cung cấp thông tin để thuê người làm giả 199 tài liệu là các bản photo CMND/CCCD để sử dụng vào việc hoàn thiện 103 bộ hồ sơ vay vốn được lập khống, chiếm đoạt của Quỹ phát triển phụ nữ huyện Hương Khê tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Nguyễn Thị Mai phải nhận mức án chung thân về tội “Tham ô tài sản” và 5 năm tù giam về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, 17 bị cáo khác nhận tổng cộng gần 50 năm tù.
Ngoài các vụ án nói trên, cũng trong thời gian nói trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận thông tin, vào cuộc và làm rõ, khởi tố nhiều vụ án liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
Đơn cử là vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, khởi tố nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng Phan Đình Cương (SN 1965) cùng 3 thuộc cấp; Vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố 14 bị đối tượng tại Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thị xã Kỳ Anh, chi nhánh huyện Thạch Hà và Văn phòng tỉnh Hà Tĩnh; 2 cán bộ thuế, 3 cán bộ địa chính xã và 1 doanh nghiệp về các hành vi "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ".
Vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc với 21 bị can bị khởi tố nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và Phó trưởng phòng cấp huyện, cán bộ địa chính.
Cùng với đó, một số vụ án đấu tranh với tội phạm tham nhũng cũng được dư luận đồng tình, đánh giá cao là vụ án "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ" xảy ra tại thị trấn Thạch Hà từ năm 2021 đến năm 2022, khởi tố 7 bị can; Vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại thị xã Hồng Lĩnh, khởi tố 3 bị can; Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, khởi tố 2 bị can; Điều tra mở rộng vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” xảy ra tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, phát hiện, khởi tố 2 đối tượng là cán bộ công chức về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra Công ty cổ phần Chế biến Muối và Nông Sản Miền Trung, khởi tố 1 bị can...
Theo nhận định của lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng Hà Tĩnh, trong thời gian tới tình hình tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn vẫn có thể diễn biến khó lường. Hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để trục lợi, tình trạng “tham nhũng vặt” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có thể diễn ra ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Một số lĩnh vực có khả năng xảy ra tham nhũng là lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mua sắm tài sản công, các dự án đầu tư công có nguồn vốn từ ngân sách, vốn kinh doanh của đơn vị nhà nước, dịch vụ công, đấu giá quyền sử dụng đất và công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ.
Do đó, thời gian tới lực lượng chức năng sẽ chú trọng tập trung các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh mạnh đối với nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; đưa hối lộ và môi giới hối lộ để giải quyết công việc.
Kiên quyết nói “không” với tội phạm tham nhũng, Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường phối hợp và kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Thông qua đó, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục triển khai các quy định, hướng dẫn về thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Đồng thời, chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; thường xuyên quán triệt về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cùng với việc chủ động tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.