Hà Tĩnh: Tại sao các cơ sở chăn nuôi đang hoạt động khó được cấp giấy phép môi trường?
Sau khi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, quy định về cấp giấy phép môi trường cho các cơ sở chăn nuôi đang hoạt động là bắt buộc, tuy nhiên có rất nhiều khó khăn nên đến nay còn nhiều cơ sở chưa được cấp giấy phép môi trường.
Cơ quan chức năng phải áp dụng rất nhiều tiêu chí để đủ cơ sở cấp giấy phép môi trường cho các trang trại chăn nuôi đang hoạt động. Trong đó, đáng chú ý là phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quản lý và xử lý chất thải hiệu quả,….Thiếu hoặc một trong những tiêu chí trên không đảm bảo thì không đủ cơ sở để cấp giấy phép môi trường, cụ thể một số vấn đề cơ sở thường gặp phải như sau:
Sai quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là một trong những tiêu chí quan trọng để được cơ quan chức năng cấp giấy phép môi trường cho cơ sở. Tuy nhiên, Sau khi được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt Quy hoạch, nhiều trang trại lại không xây dựng theo quy hoạch đã được duyệt, mà xây dựng theo “ý tưởng” mới của mình, do vậy diện tích và vị trí các công trình sai với quy hoạch, dẫn đến việc cơ quan chức năng thiếu cơ sở để cấp giấy phép môi trường.
Ông Trần Văn A (xin phép được giấu tên), chủ một trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình lập hồ sơ chúng tôi không biết được phải thực hiện đúng theo quy hoạch, do đó trong quá trình xây dựng chúng tôi chỉ xây dựng theo vị trí thuận lợi theo hiện trạng mặt bằng khu đất, đến khi đề xuất cấp giấy phép môi trường mới biết rằng sai quy hoạch thì không được cấp, trong khi đó để điều chỉnh quy hoạch thì mất rất nhiều thời gian và còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa.
Hệ thống xử lý nước thải hiện trạng không đạt yêu cầu
Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xử lý nước thải một cách đơn sơ (xử lý sơ bộ) bằng hầm Biogas và các hồ sinh học đơn giản hoặc quá nhỏ không đủ thời gian lưu nước để xử lý. Do đó, thực tế lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước thải chăn nuôi tại các cơ sở này đa số không đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường tiếp nhận.
Cũng theo ông Trần Văn A cho biết, trang trại của tôi đã được cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong đó có yêu cầu hệ thống xử lý nước thải là hầm biogas và các hồ sinh học, trang trại cũng đã được hiện theo báo cáo ĐTM tuy nhiên khi lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước thải để đề xuất cấp GPMT thì không đạt, chúng tôi cũng đã liên hệ với các đơn vị thi công hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên kinh phí quá lớn so với nguồn thu nhập hiện nay của chúng tôi.

Một trang trại xử lý nước thải bằng hầm biogas và các hồ sinh học. Ảnh: PV
Chủ cơ sở chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường
Các cơ sở chăn nuôi đang chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc do có sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc có phản ánh của người dân và cơ quan báo chí thì các cơ sở mới có “động thái” cải tạo hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên cũng chỉ ở mức đối phó, chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi trong việc xử lý ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi.

Nước thải một trang trại chăn nuôi xả thải ra ngoài môi trường khi chỉ qua hầm biogas và 3 hồ sinh học nhỏ, nước thải chảy ra với màu đen kịt. Ảnh: PV
Để đảm bảo cho việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở chăn nuôi, cũng như thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ cơ sở chăn nuôi. UBND tỉnh Hà Tĩnh, sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã rất nỗ lực trong công tác hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi nhanh chóng hoàn thành cấp giấy phép môi trường. Tuy nhiên, đa số các cơ sở vẫn “thờ ơ” với các văn bản hướng dẫn này.
Để đủ cơ sở cấp giấy phép môi trường, chủ cơ sở chăn nuôi đang hoạt động cần phải có các giải pháp giải quyết các vấn đề nêu trên.
Khoản d, điểm 2, điều 42, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định thời điểm cấp giấy phép môi trường đối với các cơ sở đang hoạt động như sau:
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.