Hà Tĩnh: Nhiều hộ dân bị cô lập, công trình giao thông sạt lở do mưa lũ
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nước trên các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục dâng cao, nhiều địa phương trong tỉnh đã bị nước lũ cô lập, chia cắt, đặc biệt là các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên...
Theo thông tin nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lũ trên các sông đầu nguồn ở Hà Tĩnh đang lên nhanh. Mực nước trên sông lúc 7h00 ngày 31/10 tại trạm thu Chu Lễ đạt đỉnh là 14,07m trên mức báo động báo động III là 0,07m; Hòa Duyệt là 9,44m trên mức báo động II là 0,44m… Nhiều hồ chứa đã thực hiện xả tràn từ 17h ngày 30/10: Hồ Sông Rác xả 50 m3/s; hồ Kim Sơn xả 10 m3/s; hồ Thượng Sông Trí xả 30 m3/s và hồ Đá Hàn xả với lưu lượng 50 m3/s. Nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả điều tiết và hiện đang xả với lưu lượng 163 m3/s. Tính đến trưa 31/10, mưa lũ đã khiến 3 người chết và một người mất tích.
Tại huyện Hương Khê, hầu hết các xã trên địa bàn đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trên địa bàn huyện có 5.494 hộ dân bị nước vào vườn; trong đó: 860 hộ nước vào nhà; 8 trường học, 16 hội quán thôn ngập nước, 1 bưu điện bị ngập nước; đập Tắt ở xã Hòa Hải dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập với chiều dài 15m, rộng 7m, gây xói lở đường giao thông, bồi lấp diện tích đất lúa hạ du. Nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống bị ngập sâu khiến nhiều vùng dân cư vẫn đang bị cô lập. Sáng 31/10, huyện đã chủ động cho 54 trường học với 22.525 học sinh nghỉ học.
UBND huyện Hương Khê ban hành công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời triển khai các phương án ứng phó với lũ lụt. Theo đó, yêu cầu các phòng, ngành, xã, thị trấn triển khai lực lượng, tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu. Đồng thời, huyện cũng đã chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu...
Tại huyện Vũ Quang, mực nước sông Ngàn Sâu đo được tại trạm Hòa Duyệt lúc 7h sáng 31/10 là 9,38m (trên báo động II là 0,38m) khiến một số xã hạ huyện như: Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng... bị ngập cục bộ, một số tuyến đường, cụm dân cư bị cô lập hoàn toàn; 3 nhà văn hóa thôn ở xã Đức Bồng, Đức Giang cùng nhiều tuyến giao thông trục thôn, xã với chiều dài 20,2km bị ngập, chia cắt 505 hộ dân. Tình hình sạt lở trên các tuyến giao thông của Vũ Quang cũng đang diễn biến khó lường với chiều dài sạt lở hơn 1,3km, khối lượng 1.000m3.
Sạt lở đất ảnh hưởng tới 47 hộ dân tại thị trấn Vũ Quang, Quang Thọ, Đức Bồng, Hương Minh, Đức Liên, gây thiệt hại về cây ăn quả, công trình phụ trợ, chuồng chăn nuôi. Ngoài ra, có 17ha ngô vụ đông và 5,5ha diện tích nuôi áo cá bị thiệt hại do mưa lớn.
Hiện chính quyền địa phương các xã bị ngập đã bố trí lực lượng bám nắm thường xuyên, cắm biển cảnh báo tại các nơi ngập sâu để bà con chủ động né tránh. Ngoài ra, địa phương cũng đã lên phương án di dời, sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp.
Đến nay, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực khắc phục sạt lở 100m tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thôn Liên Châu (xã Đức Liên), các chuyến tàu vẫn chưa lưu thông và phải dùng phương tiện vận chuyển hành khách.
Trên địa bàn huyện Đức Thọ: Mưa lớn gây sạt lở gây ảnh hưởng tới 6 hộ ở xã Đức Lạng và một số tuyến giao thông liên xã, liên huyện. Mưa lớn gây đổ ngã 120m hàng rào; 7,5ha ngô vụ đông và ngập 12,5ha ao nuôi cá…
Tại thị xã Hồng Lĩnh: Sạt lở 60m bờ sông, trôi 1.500 – 2.000 m3 đất đá và đang có nguy cơ tiếp tục xảy ra sâu thêm gần cống Trung Lương, sát bờ di tích văn hóa đền Cả ở phường Trung Lương. Tại huyện Can Lộc, nhiều tuyến kênh nội đồng, tường nhà dân, nhà văn hóa, trạm y tế tại các xã Thanh Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Phú Lộc, Gia Hanh bị đổ ngã. Bờ sông Ngàn Mọ (huyện Cẩm Xuyên) vẫn tiếp tục bị sạt lở.
Chiều 30/10, lực lượng chức năng đã giải cứu thành công 9 công nhân thuộc đơn vị thi công cầu Sơn Lộc (Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam) bị cô lập do nước dâng cao. Khu vực các nạn nhân bị cô lập là lán ăn nghỉ thuộc địa phận giáp ranh giữa 2 xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) và Sơn Lộc (huyện Can Lộc).
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Văn phòng thường trực phòng chống lũ lụt thiên tại Hà Tĩnh khuyến cáo các địa phương nắm chắc tình hình, theo dõi diễn biến để hướng dẫn, thông báo cho người dân biết, chủ động phương án ứng phó với mưa lũ.